Cổng thông tin điện tử Bắc Giang đưa tin, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bắc Giang quý I/2022 đạt trên 15%, quý II đạt trên 36% và 6 tháng đầu năm ước trên 24% dẫn đầu cả nước.
Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 1,21%, quý II tăng 3,68%, 6 tháng đầu năm tăng 2,71%; khu vực công nghiệp và xây dựng quý I tăng 20,46%, quý II tăng 63,44%, 6 tháng đầu năm tăng 35,54%; khu vực dịch vụ quý I tăng 3,47%, quý II tăng 12,22%, 6 tháng đầu năm tăng 7,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I tăng 5,52%, quý II tăng 7,8%, 6 tháng đầu năm tăng 6,55%.
GRDP của tỉnh Bắc Giang tăng cao là do lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh tăng trưởng mạnh. 6 tháng đầu năm 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh chỉ đạt trên 50%.
Sang năm 2022 Bắc Giang trở lại hoạt động bình thường nên tốc độ 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh. Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quý II/2021 các công trình trên địa bàn tỉnh gần như ngừng xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022 các công trình trở lại xây dựng bình thường nên tốc độ tăng cao.
Trong 3 năm trở lại đây, Bắc Giang luôn nằm trong top phát triển kinh tế dẫn đầu Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 7,82%, quý I/2022 đạt 14,33%, cao nhất cả nước. Nền kinh tế của Bắc Giang đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh phấn đấu tăng quy mô kinh tế để lọt vào top các tỉnh dẫn đầu cả nước và lọt vào top 10 tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số.
Phương hướng của tỉnh phát triển dựa trên 3 trụ cột là: Kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu đưa ra là phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển bình quân của cả nước. Để phát triển bền vững, tỉnh chú trọng bảo vệ môi trường cũng như sinh thái và lựa chọn 3 khâu đột phá để phát triển, đó là độ phá về thể chế, cơ chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư; tiếp đến là đột phá về cơ sở hạ tầng, đặc biệt về hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bắc Giang có các tuyến giao thông thuận lợi, điều kiện khí hậu thuận lợi, do địa hình đa dạng, tỉnh đã phát triển đồng đều cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Bắc Giang hiện có 8 Khu công nghiệp (KCN), ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu về điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nông nghiệp của tỉnh phát triển tại 4 huyện miền núi, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh rất nổi tiếng. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Bắc Giang đang chú trọng quy hoạch, mở rộng phát triển đô thị, dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; cơ cấu công nghiệp, dịch vụ chiếm 83%; lâm, nông nghiệp chiếm 17%.
Bắc Giang cũng đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lựa chọn, bởi bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, đây còn là địa phương đi đầu với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhờ quyết tâm nỗ lực cải cách hành chính.
4 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khá tích cực. Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án đầu tư mới bao gồm 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 2 dự án đầu tư trong nước (DDI) với vốn đầu tư đăng ký đạt 98 triệu USD và 2.716 tỷ đồng. Đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 13 dự án đầu tư với vốn đầu tư đăng ký tăng đạt 203,38 triệu USD. Lũy kế tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm quy đổi đạt khoảng 419,4 triệu USD (tương đương 9.605 tỷ đồng), bằng 42% kế hoạch năm.