Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng. Hình thành trung tâm phát triển về du lịch; giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh của tiểu vùng Tây Bắc và trung tâm thương mại, logistics, công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ với 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đó, Phú Thọ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10,6%/năm (trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5-9,0%; giai đoạn 2026-2030 đạt trên 12%); GRDP bình quân người năm 2030 đạt 6.200-6.300 USD; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 48-50%; ngành dịch vụ chiếm 33-35%; ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 12-14%.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đặt mục tiêu t ỷ trọng vốn FDI chiếm 19-20% trong tổng vốn đầu tư xã hội trong giai đoạn 2021-2030; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 8-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, kinh tế số chiếm khoảng 15% GRDP tỉnh vào năm 2025 và đạt hoặc vượt mức trung bình của cả nước từ năm 2030 trở đi.
Để thực hiện kịch bản này, tỉnh Phú Thọ và đơn vị tư vấn lập quy hoạch dự kiến, số vốn đầu cần huy động trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 45 nghìn tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 là giai đoạn bứt tốc, khoảng 115 nghìn tỷ đồng/năm.
Được biết, trong hai năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn đạt lần lượt 30,7 nghìn tỷ đồng và 34,4 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành).
Theo đó, Phú Thọ x ác định 5 quan điểm phát triển. Thứ nhất, p hát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Tổ. Thứ hai, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Thứ ba, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung. Thứ tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng. Cuối cùng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong đó, hai ưu tiên phát triển gồm: Một trung tâm (Đô thị trung tâm Việt Trì); Hai trục (2 Hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây). Cụ thể, Trục Đông - Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL. 2D hiện hữu. Trên trục này bao gồm 2 trung tâm kinh tế lớn nhất tỉnh là Thành phố Việt Trì, Thị xã Phú Thọ cùng với hệ thống 6 khu công nghiệp (Thụy Vân, Bắc Sơn, Phù Ninh, Phú Hà, Cẩm Khê, Hạ Hòa), Khu du lịch (Đền Hùng ở TP. Việt Trì, Đền mẫu Âu Cơ, đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên ở huyện Hạ Hòa).
Trục Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội (Ba Vì), một phần tuyến QL. 2 (đoạn Thị xã Phú Thọ - Đoan Hùng) và một phần tuyến QL.32 (đoạn từ xã Vạn Xuân đến cầu Trung Hà). Trên trục này bao gồm 1 trung tâm kinh tế là Thị xã Phú Thọ cùng với hệ thống 6 khu công nghiệp (Đoan Hùng, Thanh Ba, Phú Hà, Bắc Sơn, Tam Nông, Trung Hà), Khu du lịch (Nước khoáng nóng ở huyện Thanh Thủy, Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf ở huyện Tam Nông), 1 Trung tâm logistics cấp Vùng.