Ngày 8/5, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, UBND TPHCM đã mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hùng mạnh đầu tư 210 dự án trọng điểm với tổng vốn khoảng 1,18 triệu tỷ đồng (tương đương 53,8 tỷ USD), gồm các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; thương mại - dịch vụ; chỉnh trang đô thị; giáo dục; y tế…
Tại hội nghị, ông Harold Chen, Phó Chủ tịch Tập đoàn Alpha King cho biết Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) là đối tác của Tập đoàn Alpha King tại Việt Nam. Ông Harold Chen mong muốn lãnh đạo TPHCM cho phép Alpha King và BYD nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2.
Ông Harold Chen, cũng cho biết, Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) đã từng đầu tư tổng cộng 800 triệu USD và huy động hơn 1.000 kỹ sư trong dự án R&D kéo dài 5 năm để tạo ra BYD Sky Rail, một hệ thống đường ray dầm ngang thích ứng tốt địa hình và hòa vào hệ giao thông thành phố dễ dàng, chiếm đất tối thiểu, có thể giải quyết các vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị với chi phí xây dựng thấp hơn, thời gian xây dựng ngắn hơn so với đường sắt trên cao và tàu điện ngầm.
Ông Harold Chen bày tỏ mong muốn hợp tác góp phần xây dựng TP.HCM trở thành cửa ngõ hiện đại của Đông Nam Á và hy vọng có được sự chấp thuận của lãnh đạo TP.HCM cho phép Alpha King và BYD nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2.
Được biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài là 70,7 km.
Trong đó, tuyến số 1, từ đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long đến cầu Phú An (qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), dài khoảng 9,5 km.
Tuyến số 2, từ nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm 656 CMT8 - Bắc Hải - hẻm số 2 Thiên Phước, hẻm 654 Âu Cơ - dọc công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - đường Chiến Lược - hương lộ 2 - điểm giao QL1 (vành đai 2), dài 11,8 km (qua các quận 3, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân).
Dự án tuyến đường bộ trên cao số 1 với tổng vốn đầu tư 17.500 tỷ đồng được đánh giá có thể xây dựng sớm nhất. Trước đây TP giao cho Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) nghiên cứu, đầu tư theo hình thức BOT. Đến năm 2009, do một số khó khăn, nhà đầu tư đã xin rút khỏi dự án. Sau đó, Công ty CP bê tông 620 Châu Thới đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án, thời gian thực hiện 4 năm với 30% vốn nhà nước và 70% vốn từ nhà đầu tư, nhưng rồi cũng đề nghị chấm dứt tham gia dự án.
Dự án tuyến đường trên cao số 2 với tổng vốn đầu tư dự kiến 15.843 tỷ đồng. Năm 2008, TP giao cho Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) nghiên cứu xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa chính thức có nhà đầu tư.