Tiếp tục đổi tên, nghiên cứu dự án BĐS 700 ha tại Quảng Nam
Cổ phiếu VHG của Công ty cổ phần Tập đoàn Tây Bà Nà ( UPCoM: VHG ) có đà tăng giá mạnh từ vùng 2.500 đồng/cp lên 14.100 đồng/cp trong vòng 5 tháng qua, tức gấp 5,6 lần.
Nguồn: TradingView
Đi kèm với đà tăng giá là thanh khoản cải thiện. Trong 3 tháng gần đây, mỗi phiên có khoảng 6,8 triệu cổ phiếu VHG được giao dịch khớp lệnh, trước đó chỉ khoảng 1 đến 2 triệu đơn vị. Đặc biệt là 4 phiên giao dịch gần đây, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 72 triệu đơn vị, tương đương 48% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Diễn biến đáng chú ý ở công ty mới đây là đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam thành Công ty cổ phần Tập đoàn Tây Bà Nà (Tay Ba Na Group). VHG vừa đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam sang Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam sau kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra giữa tháng 4.
Cùng với đó, doanh nghiệp định hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi từ trồng và kinh doanh cao su sang bất động sản. Cụ thể, đơn vị đang nghiên cứu dự bán bất động sản sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Tây Bà Nà thuộc địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (giáp ranh huyện Hòa Vang, Đà Nẵng – nơi tọa lạc của Bà Nà Hill).
HĐQT đã thông qua chủ trương thành lập công ty con vốn điều lệ 500 tỷ đồng là Công ty cổ phần Tây Bà Nà Land. VHG sẽ góp vốn sở hữu 65% vốn. Công ty con này được thành lập chính là để nghiên cứu dự án bất động sản sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với sân golf Tây Bà Nà với quy mô trên 700 ha thuộc địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Doanh nghiệp dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 để bầu lại thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, tăng vốn cho đối tác chiến lược, đổi tên công ty, thay đổi trang thông tin điện tử, mẫu dấu câu và các nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội. Ngày 28/1 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng, thời gian và địa điểm được thông báo sau.
Chật vật tái cấu trúc sau sự sụp đổ của ngành cáp đồng viễn thông
VHG được thành lập 2003 với tên ban đầu là Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn. Đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh dây cáp đồng thương hiệu Việt Hàn, cung cấp cho các bưu điện. Doanh nghiệp từng có những cổ đông lớn đình đám như Indochina Capital, VinaCapital và nằm trong bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, đến 2010, VHG chuyển hướng sang hoạt động trồng và chế biến cao su, kinh doanh bất động sản và khoáng sản trước sự sụp đổ của ngành cáp đồng viễn thông. Giai đoạn 2013-2015, VHG tăng vốn mạnh từ 375 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu, đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam. Đơn vị huy động vốn để tập trung vào mảng trồng và chế biến cao su tại Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, diện tích đầu tư lên đến 13.300 ha.
Với hoạt động trồng và chế biến cao su, ban lãnh đạo từng đặt mục tiêu tham vọng là không chỉ chế biến thô mà còn tham gia vào chế biến sâu. Song, sau đó, ban lãnh đạo cho biết điều kiện thổ nhưỡng tại vùng nguyên liệu không phù hợp nếu đẩy mạnh khai thác không những không đem lại hiệu quả kinh tế mà còn dẫn đến thua lỗ nặng.
Vào năm 2019, Công ty công nghiệp Cao su Quảng Nam – công ty con (mới thoái vốn vào nửa đầu 2021) của VHG đã phải bàn giao phần diện tích đất bị thu hồi thuộc dự án trồng mới và chăm sóc cây cao su tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là 327,66 ha.
Liên tiếp các năm gần đây, VHG mở thêm mảng kinh doanh phân bón hóa chất, tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc tài chính và lấn sân mảng nhựa, ống nhựa.
Xét về hoạt động kinh doanh, VHG lỗ liên tiếp 5 năm qua. 9 tháng năm nay, doanh nghiệp cao su lỗ tiếp 34 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.308 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2020, doanh nghiệp không có nguồn thu nhưng chi phí quản lý lớn do trích lập dự phòng phải thu dẫn đến các khoản lỗ.
Đơn vị: tỷ đồng |
Như vậy, từ mức vốn góp chủ sở hữu 1.500 tỷ đồng, hiện nay chỉ còn 196 tỷ đồng nguồn vốn. Doanh nghiệp không có nợ vay và có khoản nợ thuế cùng khoản phải nộp nhà nước gần 11 tỷ đồng. Tại BCTC bán niên soát xét 2021, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh việc công ty có khoản nợ thuế kể trên và Cục thuế tỉnh Quảng Nam đã thực hiện cưỡng chế bằng cách phong tỏa các tài khoản của công ty tại ngân hàng. Kết hợp với khoản lỗ lũy kế lớn chiếm gần 90% vốn điều lệ, doanh nghiệp có những điều kiện để nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Về mặt tài sản, lớn nhất là đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh 242 tỷ đồng, dự phòng 95 tỷ đồng. Trong đó, VHG đầu tư vào Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Quảng Nam 120 tỷ đồng, dự phòng 60 tỷ đồng; đầu tư vào Công ty cổ phần sản xuất Ứng dụng Công nghệ Cao Thái Sơn 122 tỷ đồng, dự phòng 25,3 tỷ đồng.
Khoản lớn thứ 2 trong tài sản VHG là phải thu khách hàng 142 tỷ đồng, dự phòng 111 tỷ đồng.