CTCP Tập đoàn COTANA (Cotana Group, mã chứng khoán: CSC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2, ghi nhận doanh thu thuần 562 tỷ đồng, tương ứng tăng tới 877% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh song lợi nhuận gộp trong quý 2 vẫn đột biến, gấp gần 21 lần cùng kỳ, đạt 226 tỷ đồng.
Nhờ việc ghi nhận doanh thu lớn, khấu trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của Conata trong quý 2 đạt 171 tỷ đồng, tương ứng tăng 8.033% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 9.531% lên mức 135 tỷ đồng, trong đó lãi ròng đạt 98 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Trước đó, trong quý 1, Conata cũng đã ghi nhận mức lãi đột biến cao gấp 32 lần cùng kỳ lên 56 tỷ đồng. Do đó, luỹ kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp xây dựng này đạt 191 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 5.900% so với con số của cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, chỉ trong nửa đầu năm song số lãi sau thuế mà CSC ghi nhận đã gấp 2,7 lần LNST của cả năm 2021 kề trước.
Nguồn: BCTC hợp nhất Cotana Quý 2/2022
Tính tới thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của Cotana đạt 2.314 tỷ đồng, giảm gần 42 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn đạt 2.249 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng tài sản; đặc biệt khoản mục tiền tăng 76% lên 407 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đang có 313 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, chủ yếu tập trung tại CTCP Ivland (176 tỷ đồng), Tập đoàn Ecopark (29 tỷ đồng).
Cuối quý 2, doanh nghiệp còn 1.667 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 265 tỷ đồng so với đầu năm.
Được biết, Tập đoàn Cotana được thành lập từ năm 1993 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Chủ tịch HĐQT và cũng là người chèo lái Cotana là ông Đào Ngọc Thanh, từng đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc - góp phần quan trọng tạo nên thành công của khu đô thị sinh thái EcoPark hay mới đây là Chủ tịch HĐQT Vinaconex (VCG). Tính đến cuối quý 2/2022, ông Thanh nắm giữ trực tiếp hơn 7,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu gần 29,41%.
Cotana bắt đầu thoái vốn tại Ecopark từ năm 2017 và kể từ đó, tập đoàn này đã đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư bất động sản, bên cạnh lĩnh vực xây lắp truyền thống. Hiện tại, tập đoàn tập trung chủ lực vào 2 dự án lớn tại Huế, bao gồm Khu đô thị EcoGarden và Khu nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf Ngũ Hồ.
Đáng chú ý là dự án Ecogarden tại KĐT mới An Vân Dương, Thừa Thiên Huế, với những quy hoạch tổng thể được công bố, có thể thấy EcoGarden được kỳ vọng trở thành "Ecopark thứ 2". Việc kết quả kinh doanh tăng mạnh trong giai đoạn năm 2021-2022 có khả năng nhờ động lực này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CSC từng "gây bão" khi tăng dựng đứng trong năm 2021, đạt đỉnh trên 131.080 đồng/cp vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, sau đó thị giá đã quay đầu giảm mạnh theo xu hướng chung của thị trường, giảm sâu 63% về đáy 48.000 đồng/cp (phiên 7/7) và phục hồi dần trong những phiên gần đây. Chốt phiên 2/8, sau khi kết quả kinh doanh được công bố, thị giá CSC tăng kịch trần 9,9% lên 66.500 đồng/cp, tương ứng tăng khoảng 38% kể từ đáy hồi đầu tháng.