Một đời khởi nghiệp của bầu Đức: Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó! Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn!

25/03/2021 09:22
30 năm lăn lộn trên thương trường là những ngày dài khởi nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức). Ông Đức khởi nghiệp với nghề gỗ, đi qua thủy điện, khoáng sản, bất động sản, hiện tại ông tập trung vào nông nghiệp và kinh qua đủ loại giống cây trồng cho tới vật nuôi. Thành công lớn nhất trong cuộc đời của ông đến nay có lẽ chính là bóng đá.

Đoàn Nguyên Đức (thường được gọi là Bầu Đức) là một doanh nhân hết sức thú vị trên thương trường Việt Nam. Thành công lớn nhất trong cuộc đời của ông đến nay có lẽ là bóng đá. Thất bại lớn nhất của ông lại đến từ thứ mà ông hy vọng nhờ nó có thể ‘đổi đời’ cho Hoàng Anh Gia Lai lẫn Tỉnh Gia Lai – cây cao su.

Khác với nhiều doanh nhân giàu có và kín tiếng ở Việt Nam, Bầu Đức là một người hết sức dung dị và thân thiện. Tính cách hào sảng đặc trưng của người con Tây Nguyên nắng gió với gốc gác Bình Định thể hiện rõ trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của ông: khi đã quyết định đầu tư vào cái gì ông đều ‘tất tay’. Với Bầu Đức, không bao giờ có sự nửa vời, hết tiền thì ông đi vay làm tới cùng. Cũng với cá tính kinh doanh này mà sự nghiệp của doanh nhân phố núi đã có lúc ở đỉnh cao, nhưng cũng lắm khi lao đao trước vực thẳm. Khi thành công thì vui mừng, gặp thất bại thì chấp nhận.

KHỞI NGHIỆP VỚI NGHỀ MỘC SAU 3 LẦN TRƯỢT ĐẠI HỌC

Bầu Đức sinh năm 1962 tại Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình làm nông có 9 anh chị em, ông là con thứ 3 trong gia đình. Năm ông 3 tuổi, cả gia đình ông lên định cư ở An Phú – Pleiku - Gia Lai. Lớn lên, Bầu Đức cùng anh chị em gánh vác bớt công việc lao động đồng áng cho gia đình, như chăn trâu – cày bừa – làm cỏ.

Sau khi tốt nghiệp lớn 12 ở năm 1982, Bầu Đức đã ‘khăn gói quả mướp’ vào TP. HCM để thi Đại học. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, ông thi 3 lần đều không đậu nên quay trở lại Gia Lai để làm lao động chân tay, tiếp tục phụ giúp gia đình nuôi em út.

"Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó. Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng", Bầu Đức hồi tưởng.

Sau một thời gian làm thuê ở Gia Lai, Bầu Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Đó là vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh.

Một đời khởi nghiệp của bầu Đức: Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó! Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn! - Ảnh 1.

Cơ cấu mảng miếng kinh doanh của HAGL trong những năm đầu thành lập.

Trong khoảng năm 1991, tình cờ Bầu Đức gặp một chuyên gia người Đài Loan đi tìm hiểu thị trường đầu tư kinh doanh mặt hàng gỗ ở Gia Lai và người đó muốn hợp tác đầu tư liên doanh. Phía Đài Loan sẽ cung cấp máy móc, thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật, còn bầu Đức chịu trách nhiệm làm ra sản phẩm gỗ, quản lý lao động sản xuất. Năm 1992, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ.

Sau bốn năm hợp tác làm ăn với Đài Loan, Bầu Đức đã trả lại hết nợ và toàn quyền quản lý khối tài sản máy móc thiết bị nhà máy. Trên nền tảng đó, Bầu Đức mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp….

Thừa thắng xông lên, bắt đầu từ năm 2000, từ lĩnh vực chế biến gỗ và sản phẩm gỗ nội thất, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực khác như đá granit, chế biến mủ cao su, sản xuất bao bì, đầu tư kinh doanh khách sạn – khu du lịch, bất động sản. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông còn chính thức đổi tên thành Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.

Sau khi đổi tên và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cái tên Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu bành trướng ra khỏi Gia Lai, trải dài trên cả nước và mở rộng ra nhiều nước Đông Nam Á. Hoàng Anh Gia Lai đã đạt được giải thưởng Sao Đỏ năm 1999, hàng Việt Nam chất lượng cao 2003, Sao Vàng Đất Việt 2004…

Năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai niêm yết chứng khoán tại tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG. Ông Đức trở thành người giàu nhất nhì sàn chứng khoán Việt 2 năm liên tiếp 2008-2009.

Một đời khởi nghiệp của bầu Đức: Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó! Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn! - Ảnh 2.

Trong năm 2012, trong một bài phỏng vấn với báo giới, Bầu Đức đã cho rằng: "Đừng bao giờ ngộ nhận học đại học là có tất cả. Thông tin tôi không có bằng đại học là đúng, nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi.

Đại học không phải là tất cả, không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn. Đại học chỉ là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, nó có ý nghĩa với thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học, bác sĩ… còn trong kinh doanh thì hoàn toàn không lệ thuộc".

Lúc đó, Bầu Đức chia sẻ: trong tay ông hiện tại không dưới 6.000 nhân viên có bằng đại học, thậm chí trong tương lai, con số này lên tới 10.000 người (đã tốt nghiệp nông lâm, tài chính, vi sinh,…) nhưng trong số đó có rất nhiều người không làm được việc, không phải ai cũng thành đạt. Bên cạnh đó, có những người không bằng đại học vẫn giữ những vị trí rất quan trọng, chủ chốt trong tập đoàn.

Thập niên 2000 là thời đại hoàng kim của Hoàng Anh Gia Lai, gắn liền với sự phát triển của mảng bất động sản. Trong gần 10 năm liên tiếp, chính bất động sản đã giúp HAGL trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ hai năm 2011, giá trị xấp xỉ 1,5 tỷ USD. Lúc đó, các dự án cao cấp của Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện dày đặc ở các ‘điểm nóng’ của thị trường bất động sản từ Đà Nẵng trở vào nam.

ÔNG BẦU BÓNG ĐÁ CÓ TÂM

Trong 2 thập kỷ 2000 và cả sau này, cái tên Bầu Đức được đông đảo người Việt Nam biết đến phần lớn nhờ bởi những thành tựu đáng tự hào của ông trong lĩnh vực bóng đá. Không ngoa khi nói rằng bầu Đức đóng góp công lớn vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nếu xem đầu tư bóng đá là lĩnh vực khởi nghiệp thì bầu Đức đã có một startup cực kỳ thành công.

Năm 2001, bầu Đức quyết định đầu tư cho bóng đá với ý định xây dựng một "thương hiệu" Gia Lai trong tầm nhìn quốc tế. Năm 2007, câu lạc bộ bóng đá Arsenal trở thành đối tác chiến lược của Hoàng Anh Gia Lai trong việc thành lập Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG. Ngày 5/3/2007, lễ động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất là 5 hecta cao su cách thành phố Pleiku 13km và khánh thành sau 7 tháng xây dựng.

Theo đó, các học viên được đào tạo tại đây trong 7 năm, không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào. Nếu trúng tuyển, học viên sẽ được Học viện lo toàn bộ chi phí ăn, học văn hoá, tiếng Anh và tiếng Pháp. Chế độ sinh hoạt, ăn uống của các học viên ở đây với chi phí khoảng 400 triệu đồng/em/năm.

Một đời khởi nghiệp của bầu Đức: Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó! Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn! - Ảnh 3.

Bầu Đức đã bỏ tiền túi tậu máy bay riêng Beechcraft King Air 350.

10 năm sau, từ 30/6/2017, toàn bộ hợp tác giữa CLB Arsenal và CLB Hoàng Anh Gia Lai chấm dứt. Tất cả những thương hiệu liên quan đến Arsenal sẽ không còn gắn bó với Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể từ vòng 14 của giải V-League 2017, đội bóng Hoàng Anh Gia Lai sẽ thi đấu với trang phục không còn gắn logo Arsenal bên cạnh logo của HAGL. Ngoài ra, HAGL cũng sẽ chỉ còn duy trì hợp tác với JMG. Vì thế, tên gọi Học viện HAGL – Arsenal JMG cũng sẽ đổi tên thành Học viện HAGL – JMG.

Tuy nhiên, việc thành lập CLB đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp bài bản đầu tiên tại Việt Nam, không phải là lần chơi ‘ngông’ duy nhất của Bầu Đức trong những năm tháng đó. Năm 2002, ông từng mua cầu thủ hàng đầu Đông Nam Á là Kiatisak (Thái Lan) và chấp nhận trả mức lương đến 15.000 USD/tháng. Đầu năm 2008, ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal song sau đó thương vụ đã không thành.

Chưa hết, ông còn tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD) lấy kinh phí từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của Tập đoàn.

Thập niên 2000, Bầu Đức đã tạo nên sức bật cho V-League và đặt nền móng cho bóng đá Việt Nam. Thập niên 2010, ông không chỉ lo cho bóng đá Gia Lai hay V-League mà cho cả nền bóng đá Việt Nam. Từ tiền đề của 10 năm đầu tiên, bầu Đức giúp cả nền bóng đá Việt Nam hồi sinh với lứa Công Phượng được trình làng vào cuối năm 2013. Sân chơi V-League từ cảnh chợ chiều với những khán đài trống vắng đã được lấp đầy nhờ hiệu ứng mang tên U19 HAGL. Lứa Công Phượng đi đến đâu thì các sân vận đồng gần như phải lo cảnh bị "vỡ" vì rất nhiều người yêu mến.

"Chỉ cần tốt cho các tài năng bóng đá và nền bóng đá Việt Nam" là Bầu Đức sẽ làm, cho dù Tập đoàn của ông đang gặp thuận lợi hay khó khăn trên thương trường. Có thể nói, cùng tình yêu thuần khiết dành cho bóng đá, Bầu Đức chưa từng nói không khi được đề nghị đầu tư, miễn sao nó có ích. Điển hình như trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bầu Đức vẫn "tặng" 400 triệu đồng để hỗ trợ Quế Ngọc Hải chi trả chi phí phục hồi chấn thương cầu thủ Anh Khoa, sau đó tiếp tục mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam, tự đứng ra trả 2 năm tiền lương đầu tiên. Bầu Đức giữ đúng lời hứa lo cho ĐTQG đến khi thành công.

Một đời khởi nghiệp của bầu Đức: Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó! Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn! - Ảnh 4.

Bóng đá Việt Nam thực sự thành công vang dội với hàng loạt dấu ấn tại các giải đấu khu vực: Á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 18, tứ kết ASIAN Cup 2019, vô địch AFF Cup 2018 và giành HCV SEA Games 30. Trong đó, tất nhiên phải kể đến công lao của những tài năng xuất thân từ lò HAGL – JMG như Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Toàn, Xuân Trường. Ông cũng góp phần thay đổi diện mạo của nền bóng đá Việt Nam, giúp môn thể thao này trở nên chuyên nghiệp và đáng xem hơn, giúp các cầu thủ có thể sống được và trở nên giàu có với nghề đá bóng.

Với những đóng góp hữu hình lẫn vô hình của Bầu Đức cho nền bóng đá Việt Nam, có thể xem ông đã thành công khi khởi nghiệp ở lĩnh vực này.

NHỮNG BÀI HỌC TỪ NHỮNG THẤT BẠI

Đầu thập niên 2010, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu tập trung vào nông nghiệp hơn. Nhận thấy, giá cao su trên thị trường thế giới liên tục tăng, trong năm 2011 có lúc còn lên đến 6.000 USD/tấn, được gọi là ‘vàng trắng’ của thế giới; thế là Bầu Đức quyết định tất tay với cây công nghiệp này, khi tiến hành trồng cao su với quy mô lớn quanh khu vực ngã 3 Đông Dương – tức trồng cả ở Việt Nam – Lào – Campuchia. Cùng với cây cao su, HAGL còn trồng nhiều cây công nghiệp khác, như cọ dầu, mía, bắp quy mô mỗi cây trồng lên đến hàng nghìn hecta.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ với Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai, do sau khi lập đỉnh vào năm 2011, giá cao su bắt đầu lao dốc; cộng thêm thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào chu kỳ khủng hoảng mới.

Năm 2013 và 2014, doanh thu lập tức sụt giảm mạnh trong khi nợ vay vẫn ở mức cao, thanh khoản công ty gặp khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào cao su khi giá sản phẩm công nghiệp này đang ở đỉnh cao 6.000 USD nhưng đến khi thu hoạch thì giá cao su 'bốc hơi' 80% về còn 1.000 USD. Trong năm 2013, Bầu Đức cũng tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam.

Trong những năm tiếp theo, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục thu hẹp sản xuất hoặc bán các mảng sản xuất mà họ cho rằng đã không còn tạo nhiều lợi nhuận như thủy điện, mía đường, dự án bất động sản… Để gỡ rối, Tập đoàn này chuyển sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như rau củ quả và bò thịt để cải thiện tính thanh khoản. Dù những giải pháp nói trên không vực dậy được doanh nghiệp này, song nó lại giúp Bầu Đức tìm ra hướng đi mới cho HAGL.

Một đời khởi nghiệp của bầu Đức: Ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó! Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn! - Ảnh 5.

Tháng 1 năm 2021, Bầu Đức đã bán HAGL Agrico – tức mảng nông nghiệp cho THACO.

Năm 2017, Bầu Đức quyết định tập trung vào sản xuất trái cây với tham vọng đưa thương hiệu trái cây của Hoàng Anh Gia Lai vươn ra tầm thế giới. Vào thời điểm đó, đã có rất nhiều ánh mắt nghi ngờ hướng đến Bầu Đức. Thậm chí, có người còn cho rằng chắc ông ‘khó quá hóa liều', bởi Hoàng Anh Gia Lai trước giờ được biết đến với các dự án địa ốc, thuỷ điện hay mía đường, chứ chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau một thời gian mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn trái và thu về tín hiệu khả quan, song HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn. Để không mất đi công ty hay khiến những nỗ lực và tâm huyết của mình ‘đổ sông đổ biển’, Bầu Đức đã đến cầu cứu đồng sự Trần Bá Dương – Chủ tịch Tập đoàn THACO.

"Có thể hình dung 10 năm gian khó đã ở lại phía sau, 5 năm khó khăn nhất là khi công ty không thể nào vay mượn được gì từ ngân hàng, mất thanh khoản dòng tiền trong khi vẫn phải chắt chiu từng đồng trồng cây ăn trái. Để tìm được hướng đi như hôm nay không hề dễ dàng", Bầu Đức phát biểu trong ĐHCĐ HAGL năm 2020.

Sau 2 năm ‘giải cứu’ mà THACO vẫn chưa thể gỡ hết rối cho HAGL và HAGL Agrico, đầu năm 2021, Bầu Đức đã bán HAGL Agrico – tức mảng nông nghiệp cho THACO. Nhờ thế, Bầu Đức đã tự tin tuyên bố: "HAGL lẫn Agrico đã bước ra khỏi ‘vũng lầy’ nợ nần. Đã có thời tôi là người nợ nhiều nhất nước". Trong tương lai, ngoài những lĩnh vực hiện tại, HAGL vẫn kiên định với con đường ‘kiếm tiền từ nông nghiệp’, nên họ sẽ theo THACO và HAGL Agrico tiếp tục chung thủy với cây ăn trái.

Theo đó, Bầu Đức đã thất bại khi khởi nghiệp với cây công nghiệp – tiêu biểu là cao su, nhưng phần nào đó đã thành công với cây ăn trái. Di sản mà ông để lại cho HAGL Agrico không phải ai cũng làm được: vùng trồng rộng 80.000ha trải dài 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
3 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
2 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
2 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
42 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
34 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.