Đó là phát biểu được nêu ra tại Hội thảo “Thể chế với phát triển kinh tế ở Việt Nam” diễn ra sáng nay (09/01) do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, cơ chế kinh tế hiện nay đã dần “tới hạn”. Sau hơn 30 năm chuyển đổi cơ chế, nền kinh tế vẫn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào liên tục gia tăng các nguồn lực đầu vào, đặc biệt là thâm dụng vốn đầu tư. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và chậm được cải tiến. Điều này dẫn đến chất lượng tăng trưởng thấp, năng suất lao động tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế đã bớt lệ thuộc vào tài nguyên, tăng trưởng hướng đến chiều sâu thay vì chiều rộng thì cải cách thể chế là vô cùng cần thiết.
“Chúng tôi cho rằng việc cải cách thể chế, đặc biệt là tôn trọng quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch là điều kiện rất quan trọng để các nguồn lực được phân bố hiệu quả hơn. Đây sẽ tiếp tục là động lực quan trọng góp phần vào thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế”, GS.TS Trần Thọ Đạt nhận định.
Tại hội, GS.TS Lê Du Phong, nguyên Quyền Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cũng chỉ ra nhiều rào cản về thể chế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Những rào cản này xuất phát từ hệ thống luật, bộ máy hành chính và các chế tài.
Mặc dù hệ thống luật pháp đang dần được sửa đổi và cải thiện nhưng chất lượng còn thấp, nhiều luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau hay nhiều luật chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, Luật Đầu tư quy định chủ đầu tư không phải nộp quyết định “Đánh giá tác động môi trường”, trong khi Luật Bảo vệ môi trường lại yêu cầu nộp. Một ví dụ khác là Luật phá sản, từ năm 2004 – 2013 có 140.000 doanh nghiệp cần phá sản nhưng với những vướng mắc về luật pháp nên chỉ có 336 doanh nghiệp được phá sản.
Bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh và kém hiệu quả. Cả nước có tới 23.000 đầu mối cơ quan có quyền ban hành các văn bản quy phạm Pháp luật. Số lượng công chức, viên chức hiện nay vào khoảng 2,8 triệu người. Trong khi đó, nước Mỹ có diện tích gấp 30 lần, dân số gấp 3,5 lần nước ta nhưng chỉ có 2,1 triệu người trong bộ máy Nhà nước. Bộ máy cồng kềnh dẫn đến hiệu quả và hiệu lực kém như tình trạng “trên bảo dưới không nghe, vâng – dạ nhưng không làm”. Đội ngũ công chức còn “nhũng nhiều”. Khảo sát của VCCI cho thấy 60% doanh nghiệp Top giữa phải móc hầu bao cho các khoản chi không chính thức.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách của các cơ quản quản lý đưa ra còn nhiều bất cập. Một vấn đề mà có quá nhiều Bộ quản lý dẫn đến không bên nào nhận trách nhiệm. GS.TS Lê Du Phong lấy ví dụ về việc quản lý một dòng sông, Bộ Giao thông – Vận tải quản lý nạo vét sông, Bộ Tài nguyên Môi trường phụ trách tài nguyên trên sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách quản lý nước sông. Chính vì vậy vấn đề “cát tặc” hoành hành mà không Bộ nào có trách nhiệm. "Một dòng sông mà có đến 3 Bộ quản lý, bên này đổ lỗi cho bên kia", ông Phong nhận xét.
Các thủ tục hành chính dù đang được đơn giản hóa nhưng vẫn còn hết sức phức tạp, phiền hà. Điều này làm nản lòng cả các chủ thể chuẩn bị đầu tư và các chủ thể đang hoạt động trong nền kinh tế. Ví dụ, hiện nay có đến 100.000 loại hàng hóa xuất khẩu phải quan kiểm tra, gần 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu.
Ngoài ra, các chủ thể tham gia vào nền kinh tế chưa được đối xử công bằng. Các chính sách vẫn còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. GS.TS Lê Du Phong cho rằng các doanh nghiệp càng lớn thì càng có lợi thế, nói cách khác là “càng lớn thì bôi trơn càng nhiều”.
Với những thực trạng và nguyên nhân được chỉ ra, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cải cách thể chế. Các giải pháp bao gồm hoàn thiện thể chế hướng tới giảm chi phí giao dịch; thúc đẩy cổ phần hóa DNNN; tăng cường thể chế kiểm soát dòng tiền để hạn chế tham nhũng, trốn thuế và thể chế hóa các quan hệ trong quy định hành vi, giao dịch.