Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, ứng viên Joe Biden của Đảng Dân chủ đang duy trì thế dẫn trước đương kim Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa trong các cuộc thăm dò dư luận.
Tuy bị đánh giá là không thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 - một thất bại khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu đi nhiều - ông Trump vẫn giữ được đánh giá cao hơn của dư luận Mỹ ở câu hỏi liệu ứng viên nào đắc cử sẽ tốt hơn cho nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, trong một bài viết trên trang MarketWatch, giáo sư kinh tế học Nouriel Roubini thuộc Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York nói rằng dưới thời các Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, nền kinh tế Mỹ thường "rực rỡ" hơn so với dưới thời các Tổng thống Cộng hòa, cả về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp và mức tăng của thị trường chứng khoán.
Ông Roubini khẳng định khuynh hướng đó không phải là điều ngẫu nhiên.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, nước Mỹ - với chỉ 4% dân số thế giới - hiện chiếm hơn 20% số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu. Giáo sư Roubini cho rằng điều này là "đáng xấu hổ" xét tới việc nước Mỹ sở hữu một hệ thống y tế phát triển.
Quan niệm bấy lâu cho rằng các Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa giỏi điều hành kinh tế hơn các Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ là sai lầm, ông Roubini nhấn mạnh.
Các cuộc suy thoái 1970, 1980-1982, 1990, 2001, 2008-2009, và 2020 đều xảy đến khi một nhân vật Đảng Cộng hòa đứng đầu Nhà Trắng.
Cuốn sách xuất bản năm 1997 với tựa đề "Political Cycles and the Macroeconomy" (tạm dịch: "Chu kỳ chính trị và kinh tế vĩ mô"), hai đồng tác giả Roubini và Alberto Alesina đã chỉ ra rằng các thời kỳ mà các chính quyền thuộc Đảng Dân chủ thường là những khoảng thời gian kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn, có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, và có thị trường chứng khoán tăng mạnh hơn so với khi Đảng Cộng hòa nắm quyền.
Theo cuốn sách trên, các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ chủ yếu xảy ra trong thời các chính quyền của Đảng Cộng hòa, và đây cũng là xu hướng duy trì kể từ khi cuốn sách được xuất bản. Các cuộc suy thoái 1970, 1980-1982, 1990, 2001, 2008-2009, và 2020 đều xảy đến khi một nhân vật Đảng Cộng hòa đứng đầu Nhà Trắng (ngoại trừ cuộc suy thoái 1980-1982 bắt đầu dưới thời Tổng thống Dân chủ Jimmy Carter nhưng tiếp tục dưới thời Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan).
Mức tăng trưởng việc làm bình quân hàng tháng của Mỹ qua các năm - Nguồn: Washington Post
Ông Roubini cho rằng việc kinh tế Mỹ hay rơi vào suy thoái dưới thời các Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa bắt nguồn từ việc đảng này thường nới lỏng các quy chế giám sát, dẫn tới việc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế dễ hình thành hơn. Ngoài ra, Đảng Cộng hòa cũng thường theo đuổi chính sách tài khóa bất cẩn: chi tiêu nhiều như Đảng Dân chủ, nhưng lại không muốn tăng thuế, dẫn tới thâm hụt ngân sách.
Do những sai lầm như vậy từ thời Tổng thống George W. Bush, Tổng thống Barack Obama và người phó của ông là ông Joe Biden đã thừa kế cuộc suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ kể từ Đại suy thoái 1930.
Đầu năm 2009 - khi ông Obama mới lên cầm quyền - tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vượt 10%, tốc độ tăng trưởng rơi tự do, thâm hụt ngân sách vượt mốc 1,2 nghìn tỷ USD, và thị trường chứng khoán Phố Wall xuống dốc không phanh. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, khi ông Obama chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, tất cả các chỉ số kinh tế này đều đã được cải thiện rất nhiều.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ qua các năm - Nguồn: Washington Post
Thực tế cho thấy, ngay cả trước khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do Covid-19, các số liệu về tăng trưởng kinh tế, việc làm và thị trường chứng khoán Mỹ dưới sự điều hành của ông Trump đều kém hơn so với thời ông Obama.
Tương tự, ông Trump thừa kế một nền kinh tế mạnh từ người tiền nhiệm, nhưng rồi lại phá hỏng điều đó chỉ trong một nhiệm kỳ, ông Roubini nhấn mạnh.
Một chính quyền Biden ít có khả năng theo đuổi những chính sách kinh tế cực đoan, theo giáo sư kinh tế học Nouriel Roubini.
Trước khi đại dịch xảy ra, tăng trưởng việc làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã chậm đi so với trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama. Việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong tháng 8 vừa qua trong lúc ông Biden dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận là một dấu hiệu cho thấy thị trường không lo ngại về khả năng ông Biden đắc cử Tổng thống, cũng như về khả năng phe Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ.
Lý do ở đây rất đơn giản: một chính quyền Biden ít có khả năng theo đuổi những chính sách kinh tế cực đoan. Ông Biden có thể có những cố vấn cấp tiến, nhưng tất cả bọn họ đều thuộc trường phái chính trị dòng chính. Ngoài ra, ứng viên Phó tổng thống của ông Biden, thượng nghị sỹ Kamala Harris của bang California, cũng là một nhân vật ôn hòa.
Diễn biến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ qua các năm - Nguồn: Washington Post
Nếu ông Biden đắc cử, chính quyền của ông có thể tăng thuế lên doanh nghiệp Mỹ và tầng lớp giàu nhất nước này. Chính sách như vậy sẽ trái ngược với gói giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD của ông Trump - chương trình được cho là chỉ mang lại lợi ích cho các công ty lớn và giới giàu ở Mỹ.
Nếu muốn chiếm lĩnh những công việc giá trị cao trong tương lai, Mỹ cần đào tạo lực lượng lao động của mình thay vì theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và bài ngoại gây phương hại cho chính mình - ông Roubini viết.
Tuy nhiên, một kế hoạch tăng thuế của ông Biden sẽ chỉ ảnh hưởng hạn chế đến lợi nhuận doanh nghiệp. Và bất kỳ thiệt hại nào mà kế hoạch đó gây ra cho nền kinh tế Mỹ sẽ được bù đắp thông qua việc lấp đầy những lỗ hổng trước nay tạo điều kiện cho hoạt động trốn thuế và chuyển lợi nhuận cho nước ngoài. Bên cạnh đó, chủ trương “Made in America” (“Sản xuất tại Mỹ”) của ông Biden cũng hứa hẹn tạo thêm công ăn việc làm, lợi nhuận và hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Trong lúc ông Trump và những người Cộng hòa còn chưa buồn xây dựng một nền tảng chính sách kinh tế cho cuộc bầu cử này, ông Biden đã đề xuất một loạt chính sách tài khóa được thiết kế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nếu Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội lẫn Nhà Trắng, một chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ theo đuổi một gói kích thích tài khóa lớn với mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình, người lao động và doanh nghiệp nhỏ thực sự cần giúp đỡ, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tạo việc làm trong nền kinh tế xanh.
Kế hoạch của ông Biden nhiều khả năng sẽ không tập trung vào việc cắt giảm thuế cho tầng lớp giàu, mà thay vào đó sẽ tập trung vào giáo dục và đào tạo, cũng như các chính sách công nghiệp và sáng tạo để đảm bảo cho sức cạnh tranh của Mỹ trong tương lai. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn phải lo sợ bởi những loạt trạng thái (tweet) của Tổng thống trên mạng xã hội Twitter nữa.
Diễn biến chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ qua các năm - Nguồn: Washington Post
Đảng Dân chủ còn đang kêu gọi tăng lương tối thiểu để tăng thu nhập cho người lao động và tiêu dùng; áp dụng các quy chế giám sát tốt hơn để giảm phát thải khí carbon. Họ cũng thúc đẩy những chính sách để tăng sức mạnh đàm phán cho người lao động và bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm trước các định chế tài chính.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ cũng được cho là sẽ có phương pháp tiếp cận hợp lý hơn về thương mại, nhập cư và chính sách đối ngoại, theo đó cải thiện các mối quan hệ liên minh và đối tác của Mỹ, cũng như theo đuổi chính sách hợp tác thay vì kiềm chế gây thiệt hại cho cả đôi bên với Trung Quốc.
Tất cả những biện pháp này đều sẽ tốt cho việc làm, tăng trưởng và việc làm - ông Roubini nhận định.
Về chính sách kinh tế của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, vị giáo sư cho rằng những chính sách đó đã trở thành "thảm họa" đối với người lao động Mỹ và năng lực cạnh tranh kinh tế của nước này trong dài hạn. Ông cho rằng chính sách thương mại và nhập cư của ông Trump đều được quảng cáo là các biện pháp giành lại việc làm cho người Mỹ nhưng rốt cục mang đến kết quả ngược lại.
Nếu muốn chiếm lĩnh những công việc giá trị cao trong tương lai, Mỹ cần đào tạo lực lượng lao động của mình thay vì theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và bài ngoại gây phương hại cho chính mình - ông Roubini viết.