Những ngày giãn cách xã hội, mọi gia đình đều nấu ăn tại nhà. Để đổi món cho bữa sáng bớt nhàm chán, đơn điệu, nhiều bà nội trợ đặt mua bún gấc lạ miệng, giàu dinh dưỡng để phòng chống dịch.
Là người thích ăn các loại bún tươi và cả bún khô trong bữa sáng, gần đây, để đổi món cho gia đình ngày giãn cách xã hội, chị Lưu Thị Thoa ở Văn Khê, Hà Đông thử mua bún gấc về ăn và nghiện loại bún này ngay lập tức.
“Thấy một số ít tiểu thương bán trên facebook, mình đặt mua online về ăn thử. Nào ngờ cả nhà mình rất thích. Ăn loại bún này vừa thơm ngậy, vừa dẻo. Hơn nữa, chế biến bữa sáng cũng không mất nhiều thời gian, tiện lợi vô cùng”, chị Thoa nói.
Là người bán bún gấc khô trên facebook cá nhân mới đây, chị Trần Huyền Trang ở Giải Phóng, Hà Nội, cho hay, khi vừa thông tin, loại bún làm từ gấc tươi có màu vàng đẹp mắt này lập tức thu hút các bà nội đặt mua.
Bún gấc được làm từ gấc tươi truyền thống |
Theo chị Trang, bún gấc được làm từ gạo Bao Thai của Cao Bằng - loại gạo chỉ có trong mùa lạnh ở đây. Tuy gạo không dẻo nhưng ăn rất ngọt. “Loại bún gấc này được tạo từ gạo Bao Thai này nhuộm với màu của quả nếp gấc Cao Bằng, cho ra loại bún có màu vàng đỏ tự nhiên lại giàu chất chống oxy tốt cho sức khỏe”, chị nói.
Tiểu thương này cho hay, để loại bún gấc khô có độ dẻo dai, thơm ngon, người làm bún Cao Bằng phải chú ý lựa chọn thời điểm sản xuất kỹ lưỡng. Từ việc phải phơi ở nhiệt độ lý tưởng, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời nhưng cũng không được phơi dưới chỗ bóng râm nhiều. Nói chung, phải phơi nơi thoáng gió, nơi có độ chiếu sáng của mặt trời nhiều nhất.
Đặc biệt, chỉ mùa gấc mới có bún gấc vì loại bún này được làm từ gấc tươi chứ không phải gấc cấp đông hay dầu gấc.
Sau khi phơi khô, bún gấc được đóng gói hút chân không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này giúp bảo quản bún gấc được lâu mà vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
Bún được phơi thủ công |
“Bún gấc ngon hay không còn là cảm nhận của từng người. Loại bún này được nhiều người hỏi mua hơn hẳn bún gạo lứt hay các loại bún khác. Bởi, gấc tươi không chỉ tạo màu cho sợi bún bắt mắt, đảm bảo an toàn vệ sinh mà còn phù hợp với những người ăn chay hay trẻ nhỏ cần bổ sung dinh dưỡng”, chị Trang gợi ý.
Người phụ nữ này cũng cho biết, do sợi bún nhỏ nên khi chế biến, bà nội trợ chỉ cần luộc qua hoặc ngâm nước cho sợi bún mềm. Sau đó, cho thêm hành ngò, dầu ăn và nước sôi rồi nêm lại là thành một món ăn sáng tiện lợi.
“Ăn loại bún gấc này cũng nhanh như chế mì gói mà lại an toàn hơn mì gói rất nhiều. Nếu không có rau xanh, khi ăn có thể thả vài miếng rong biển khô Nha Trang vào vừa ngon lại mát nữa”, chị nói.
Một ký bún gấc có giá 90.000 đồng. Nhiều nơi bán bún gấc với giá rất rẻ, chỉ 40.000-50.000 đồng/kg. Theo chị Trang, đây có thể là loại bún gấc làm từ dầu gấc, bột gấc khô hoặc được pha trộn phẩm màu chứ không phải từ quả gấc tươi. Do đó mọi người đừng ham rẻ. Khi ăn hai loại bún gấc này, nếu tinh ý sẽ phân biệt rõ.
Bún gấc tiện lợi và dễ dàng chế biến các món ăn giàu dinh dưỡng |
Để bún ngon và dẻo mềm trong quá trình chế biến, chị Thoa - bà nội trợ ở Hà Đông ở trên - thường cho lượng bún đủ dùng vào nồi đổ gần ngập nước lạnh, ngâm 3-5 phút. Hoặc, cho bún lên bếp đun sôi khoảng 5 phút rồi tắt lửa, sau đó đậy vung để nguyên trên bếp khoảng 3 phút rồi đổ bún ra rổ, xả lại bằng nước lạnh, để ráo là được.
Tùy theo khẩu vị của từng thành viên trong gia đình, chị Thoa chế biến nhiều món khác nhau từ bún gấc.
Hôm thì chị nấu bún gấc với thịt băm hoặc thịt gà, hôm thì bún gấc xào thịt nạc, cà rốt, bắp cải, hành tây, gia vị. Hôm thì chị Thoa làm bún gấc xào trứng, cà rốt hay bún gấc xào thập cẩm như tôm nõn, trứng gà, cà rốt, hành tây, cải xanh, mộc nhĩ,... Hôm nào thích ăn chay, chị xào bún gấc chỉ với cà rốt, nấm hương, đường, tiêu, bột ngọt, xì dầu, cần tây là được.
"Dù ăn kiểu gì cũng rất dậy mùi, thơm ngon. Hai đứa trẻ nhà mình thích ăn loại bún gấc này hơn hẳn các loại bún ngũ vị khác mà mình từng mua”, chị nói.
Thảo Nguyên