Những năm gần đây, na bở trở thành hàng hiếm được người dùng tìm kiếm, giá cao gấp 4-5 lần so với na dai.
Tại Hà Nội, chị Minh Thu, tiểu thương chuyên phân phối na bở (quận Cầu Giấy), cho biết giá 1 kg dao động từ 170 - 180 ngàn đồng/kg. 1 kg khoảng 3 trái. Mỗi ngày, chị bán ra thị trường 20-50 kg. Đây mới là con số đầu mùa do sản lượng nhà vườn cấp ra còn thấp, chứ nhu cầu với loại trái cây này rất lớn.
Vào vụ na bở , chị Thu tính tìm thêm 2 nhân viên thời vụ để nhận đơn và ship cho khách hàng. "Mỗi năm vào vụ, cửa hàng của tôi thường đi khoảng vài trăm kg mỗi ngày" - chị Thu nói.
Nhận thấy nhu cầu, nhiều cửa hàng trái cây ở Hà Nội đã chuyển hướng sang kinh doanh mặt hàng này. Na bở được giới thiệu ở Đồng Bành (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ); na Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng), na bở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh)…
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Liên Khê (Hải Phòng), cho biết đơn vị này đã nhận được lời đề nghị mua hàng của rất nhiều thương lái, chủ cửa hàng trái cây.
Tuy nhiên, do mới đầu mùa, sản lượng ít nên hợp tác xã chỉ dám nhận của một số khách quen. Hiện, giá na bở bán tại vườn dao động từ 145 - 150 ngàn đồng/kg, cao hơn 10% so với năm ngoái.
"Nhiều khách hàng hỏi mua lắm nhưng chúng tôi chỉ cung cấp được số lượng ít. Hợp tác xã hiện có 30 ha na bở theo tiêu chuẩn VietGAP, bình quân sản lượng từ 6-7 tấn/ha, đem về lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí là gần 500 triệu đồng/ha" - ông Hùng nói.
Na bở Liên Khê được ông Hùng giới thiệu quả to, mẫu mã đẹp, chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, thơm, khi ăn có vị ngọt thanh mát, không sạn và có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy, khách hàng đã ăn là sẽ tới tìm mua thêm.
Đặc biệt, na bở Liên Khê được trồng theo quy trình VietGAP nên mỗi sản phẩm ra thị trường đều đảm bảo về mặt chất lượng, có mã QR để trích xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất rõ ràng để người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm lựa chọn.
Theo UBND xã Liên Khê, cây na bở được địa phương đặt làm cây kinh tế chủ lực để thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp. Liên Khê tiếp tục được định hướng mở rộng diện tích phấn đấu lên 100 ha.
Cùng với đó, địa phương chủ động tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc bảo hộ và phát triển thương hiệu tập thể, tiếp cận sâu vào thị trường qua hoạt động xúc tiến thương mại , đưa hình ảnh, thương hiệu Na bở Liên Khê lên các sàn thương mại điện tử , tiếp tục mở ra cơ hội mới nhiều triển vọng cho na bở Liên Khê trên thị trường trong và ngoài nước.