Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 12/2023 đạt 20.285 tấn hạt tiêu các loại, tương đương 77,56 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước. Lũy xuất khẩu hạt tiêu cả năm 2023 đạt tổng cộng 265.897 tấn tiêu các loại, trị giá 910,5 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và giảm 6,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.585 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.091 USD/tấn, so với năm 2022 giá xuất khẩu tiêu đen đạt 3.591 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.095 USD/tấn, lần lượt giảm 420 USD đối với tiêu đen và 635 USD đối với tiêu trắng.
Bên cạnh đó, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm trong nước cũng liên tục tăng, dao động trong khoảng 78.000 - 81.000 đồng/kg.
Trong năm qua, châu Á là khu vực thị trường lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam, chiếm 52,7% thị phần. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu , đạt 60.135 tấn, tăng 174% so với năm 2022. Điều đáng nói, Trung Quốc đã vượt xa Hoa Kỳ để trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Tiếp theo là các thị trường Ấn Độ: 12.812 tấn, chiếm 4,9% và tăng 4,2%; UAE: 12.132 tấn, chiếm 4,6% giảm 24,7%; Philippine: 8.021 tấn, chiếm 3,0% tăng 27,5%. Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 về thị phần xuất khẩu chiếm 22,8% và xuất khẩu tăng 0,3% trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 54.271 tấn, chiếm 20,5% giảm 0,8% so với năm ngoái.
Xuất khẩu sang các thị trường châu Âu chiếm 19,5% giảm 1,4% so với năm ngoái. Xuất khẩu sang châu Phi tăng 7,8%.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu , đạt hơn 60.000 tấn, tăng 174% so với năm 2022. Hồ tiêu chủ yếu được dùng làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương nước này. Một số địa phương ở Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam có thể kể đến như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Trong năm 2024, dự báo nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại Trung Quốc vẫn ở mức cao do thói quen tiêu dùng. Ngoài ra, du lịch nội địa phục hồi mạnh cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ăn uống gia tăng. Bên cạnh đó, mùa đông năm nay lạnh và kéo dài khiến nhiều người dân hướng đến sử dụng các món ăn cay, nóng như lẩu, nướng..., trong đó hồ tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu.
Tại thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, dư địa dành cho hồ tiêu Việt Nam vẫn còn lớn, khi các sản phẩm của nước ta chưa thâm nhập sâu vào các địa phương trong nội địa nước này.
Bên cạnh đó, triển vọng cho năm nay sẽ còn “tươi sáng” hơn trong bối cảnh Mỹ giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Ấn Độ và chuyển sang mua của các nhà cung cấp Việt Nam vì có mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao. Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá tích cực về năng lực chế biến với tỷ lệ sản phẩm qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu .
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, bắt đầu từ năm 2001, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu đạt 56.506 tấn, chiếm 28% tổng xuất khẩu của thế giới. Cũng từ đây, Việt Nam liên tục là nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu .
Một báo cáo vào tháng 6/2021 trên trang web của Tổng Cục Thống kê khẳng định, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Không chỉ là nước xuất khẩu mà trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã trở thành trung tâm sản xuất hạt tiêu của thế giới.