Một tuần trở lại đây, 1/3 các cổ phiếu niêm yết trên sàn Hồng Kông đã rơi vào tình cảnh bị "thổi bay" gần như toàn bộ giá trị vốn hóa chỉ sau 1 ngày. Ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại rằng thị trường tài chính có quy mô 5.200 tỷ USD này sẽ trở thành nơi gieo mầm cho một cơn bão sắp ập đến.
Cổ phiếu của China First Capital Group, một công ty đầu tư tập trung vào các dịch vụ tài chính và hoạt động trong cả mảng giáo dục, đã lao dốc 78% trong phiên giao dịch hôm nay (27/11). Cổ phiếu của Virscend Education, công ty mà First Capital có nắm cổ phần, cũng mất 78% giá trị trước khi thu hẹp đà giảm xuống còn 30%. Tổng cộng 1,1 tỷ USD vốn hóa đã bị thổi bay.
Có thể First Capital đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu Virscend sau khi bị "margin call", nhưng việc đó chưa được xác minh, theo giám đốc quan hệ cổ đông của Virscend. Đại diện của First Capital từ chối bình luận.
Mặc dù TTCK Hồng Kông không hề xa lạ với những cú tăng giảm rất mạnh, làn sóng mới một lần nữa đang làm dấy lên những hoài nghi về thực trạng quản trị doanh nghiệp tại các công ty niêm yết của thành phố. Một trong những lý do phổ biến khiến giá biến động ngoài sức tưởng tượng là khi các cổ đông lớn buộc phải bán ra trong khi họ đã vay mượn để trang trải cho vị thế. Điều này sẽ dẫn đến hiệu ứng domino khi rắc rối xảy ra.
Tuần trước, cổ phiếu của ArtGo Holdings giảm 98% sau khi MSCI hủy bỏ kế hoạch thêm cổ phiếu này vào chỉ số chuẩn. Cùng ngày hôm đó, cổ phiếu của 1 công ty sản xuất nội thất đến từ đại lục cũng giảm 91% sau khi 1 nhà đầu tư bán khống đặt ra câu hỏi về quy trình kế toán của công ty. First Capital sở hữu 1,6% cổ phần của ArtGo tính đến tháng 7, theo tài liệu nộp lên sàn Hồng Kông.
Mấy năm trở lại đây, giới chức quản lý thị trường tài chính Hồng Kông đã đặt mục tiêu dọn sạch thị trường chứng khoán làm ưu tiên hàng đầu, cho rằng biến động giá quá lớn và tình trạng thao túng giá (đặc biệt là với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ) làm tổn hại danh tiếng của trung tâm tài chính này. Vụ sụp đổ năm 2017 của nhóm các công ty mà nhà đầu tư chủ động David Webb gọi là "mạng lưới Enigma" đang là tâm điểm của vụ điều tra về hành vi thao túng thị trường lớn nhất trong lịch sử thành phố.
Theo luật Hồng Kông quy định, 1 cổ đông nắm quyền kiểm soát có thể cầm cố số cổ phiếu mà họ sở hữu mà không cần khai báo về giao dịch đó nếu như đó là để phục vụ mục đích tài chính cá nhân chứ không phải các khoản vay phục vụ công ty. Những người phê bình cho rằng cấu trúc sở hữu phức tạp, chồng chéo nhiều lớp gây ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Tham khảo Bloomberg