Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu trên 5,37 triệu tấn sắt thép, trị giá gần 3,89 tỷ USD, giá trung bình đạt 723,2 USD/tấn, tăng mạnh 42,5% về lượng và tăng 22,9% kim ngạch nhưng giảm 13,8% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.
Riêng tháng 4/2024, nhập khẩu trên 1,28 triệu tấn sắt thép, tương đương gần 958,37 triệu USD, giá trung bình 746,8 USD/tấn, giảm 10,7% về lượng, giảm 8,3% về kim ngạch nhưng tăng 2,8% về giá so với tháng 3/2024.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 3,67 triệu tấn, tương đương gần 2,36 tỷ USD, giá 641,7 USD/tấn, tăng 78% về lượng, tăng 52,8% kim ngạch nhưng giảm 14% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023; chiếm 68,3% trong tổng lượng và chiếm 60,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nhật Bản đạt 551.458 tấn, tương đương 405,35 triệu USD, giá nhập khẩu 735 USD/tấn, giảm 9,5% về lượng, giảm 13,8% về kim ngạch và giảm 4,7% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023, chiếm trên 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, đạt 382.977 tấn, trị giá 361,56 triệu USD, giá 944 USD/tấn, tăng 12,3% về lượng, tăng 3,9% về kim ngạch nhưng giảm 7,5% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023, chiếm 7,1% trong tổng lượng và chiếm 9,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Nhìn chung, nhập khẩu sắt thép 4 tháng đầu năm 2024 từ đa số thị trường tăng so với 4 tháng đầu năm 2023.
Theo một số chuyên gia, nguồn cung trong nước (thép cán nóng - HRC) chưa đáp ứng đủ cầu nên buộc Việt Nam phải tăng nhập khẩu. Trong khi đó, do thị trường xây dựng trong nước khó khăn, Trung Quốc - “cường quốc” sản xuất thép có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách hỗ trợ giá, thuế. Một số sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam có thuế nhập khẩu bằng 0%, trong đó có thép cán nóng.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu. Nhu cầu nội địa kém, song sản xuất thép tại Trung Quốc rất mạnh, mỗi ngày có thể lên đến vài triệu tấn - bằng sản lượng thép Việt Nam trong cả tháng. Điều này thúc ép họ phải đẩy mạnh xuất khẩu và gây áp lực lên nhiều thị trường nhập khẩu khác.
ASEAN, trong đó có Việt Nam là thị trường gần Trung Quốc, thuận tiện cho xuất khẩu là nguyên nhân khiến thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhiều như vậy suốt từ cuối năm ngoái tới đầu năm nay.
Bên cạnh đó, lượng thép nhập khẩu tăng vọt trong những tháng đầu năm có thể là để tăng tốc phục vụ các dự án trọng điểm cấp bách. Ví dụ Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình)- Phố Nối (Hưng Yên). Trung bình mỗi vị trí khoảng 100 tấn thép/cột và 70 tấn thép/móng. Theo thông tin công bố, Dự án có 1.177 vị trí móng cột thép. Như vậy, lượng thép cần cung cấp cho Dự án là rất lớn.