Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 3/2024 đạt gần 1,1 triệu tấn với kim ngạch hơn 834,8 triệu USD, 10% về lượng và tăng 11,4% về trị giá so với tháng 2/2024.
Trong quý I/2024, xuất khẩu sắt thép của nước ta thu về gần 2,4 tỷ USD với hơn 3,23 triệu tấn, tăng 42% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu sắt thép các loại trung bình trong 8 tháng đầu năm đạt 739 USD/tấn, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, sắt thép các loại xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm, cho thấy tín hiệu khả quan về ngành thép trong năm 2024.
Về thị trường, trong 3 tháng đầu năm, Italy vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu sắt thép các loại của Việt Nam, thu về gần 299 triệu USD với 483 nghìn tấn, tăng 80,4% về lượng và tăng 64,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đứng sau Italy là thị trường Mỹ và Campuchia, với tổng giá trị xuất khẩu trong quý I lần lượt là 399,6 và 182,8 triệu USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép sang nhiều thị trường chứng kiến mức tăng trưởng đột biến, trong đó có Singapore.
Cụ thể, trong tháng 3/2024, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Singapore đạt 42.190 tấn với kim ngạch hơn 23 triệu USD. Trong khi đó, tháng 3/2023, đảo quốc sư tử chỉ nhập khẩu 175 tấn sắt thép với kim ngạch chỉ hơn 305 nghìn USD. Như vậy, mức tăng trưởng lên tới 24.000% về lượng và 7.456% về giá trị.
Lũy kế 3 tháng, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường này đạt 81.227 tấn, trị giá hơn 44,6 triệu USD, gấp hơn 18.790% về lượng và 6.457% về giá trị.
Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân đạt 549 USD/tấn, giảm sốc hơn 68% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) nhận định tăng trưởng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại thị trường ASEAN, Mỹ và EU sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm nay.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong số đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm dự báo tăng 12% lên gần 13 triệu tấn.
Ngành sắt thép của Việt Nam được dự báo là sẽ phục hồi có những tăng trưởng, kéo dài sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Ngoài ra, nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,7%, đạt 1,79 tỷ tấn trong năm 2024, và tăng 1,2% vào năm 2025 lên 1,82 tỷ tấn. Ngoài ra, nhu cầu từ các nước ASEAN (trừ Việt Nam) dự kiến sẽ tăng 5,2% trong năm 2024, cao hơn mức 3,8% trong năm 2023.
Do đó, sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 - 30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 - 23 triệu tấn.
Tại Trung Quốc, nhu cầu thép của nước này trong năm nay được dự báo sẽ vẫn ở mức tương tự như năm 2023 do đầu tư vào bất động sản tiếp tục giảm. Tuy nhiên, mức sụt giảm trên phần nào được bù đắp từ việc nhu cầu thép trong hoạt động sản xuất và xây dựng hạ tầng kỳ vọng sẽ tăng lên.