Việt Nam sở hữu một loạt các mặt hàng xuất khẩu đứng vị trí top đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, điện thoại, dệt may,…trong đó không thể không kể đến mặt hàng giày dép khi thu về hàng tỷ USD đều đặn mỗi tháng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về hơn 2 tỷ USD trong tháng 6, tăng 1,8% so với tháng trước đó. Lũy kế 6 tháng đầu năm mặt hàng này đã mang lại hơn 10,7 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lần lượt gọi tên Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan. Đối với khách hàng lớn nhất, trị giá xuất khẩu giày dép sang thị trường này đạt 3,8 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Đứng thứ 2 là Trung Quốc với hơn 900 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Hà Lan là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 với hơn 782 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023.
So sánh quy mô trên thị trường thế giới , hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…Thậm chí trong năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc. Cùng với Italy, tổng kim ngạch xuất khẩu của ba nước chiếm hơn một nửa thị trường giày dép thế giới.
Trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD. Như vậy 26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm các mặt hàng tỷ đô và nằm trong nhóm có kim ngạch cao.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.
Đặc biệt, ở khu vực Tây Nam Bộ và miền Trung Việt Nam vẫn còn nhiều lao động, chi phí nhân công rẻ, diện tích đất trống lớn… Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành da giày của Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, để ngành da giày - túi xách tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, hiệp hội cần theo dõi sát Chiến lược da giày mới và xu hướng phát triển da giày tuần hoàn của EU; nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh chính sách của các nước có thế mạnh, tiềm lực về da giày như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), từ đó có đề xuất với các cơ quan chức năng về giải pháp phù hợp; đồng thời cảnh báo, định hướng, phổ biến, chia sẻ thông tin, hướng dẫn kịp thời để tránh thế bị động trước các điều chỉnh chính sách, quy định mới từ phía EU và các thị trường toàn cầu.
Theo “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đến năm 2025 đạt 27 – 28 tỷ USD và đạt 38 – 39 tỷ USD vào năm 2030.
Xuất khẩu giày dép của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 10 – 12%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026. Nước ta cũng được đánh giá là thị trường uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giày, đặc biệt là giày thể thao theo các nhãn hàng lớn.