Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan , trong tháng 5, xuất khẩu nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng mạnh 17% so với tháng trước và tăng 11,8% so với tháng 5/2023.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam thu về từ nhóm hàng này gần 6,1 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức…
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 1,29 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gần 260 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm 20,87% tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong 5T/2024.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Nhật Bản. Cụ thể, trong tháng 5, nước ta xuất khẩu hơn 233 triệu USD, giảm 2,9% so với tháng 5/2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xứ anh đào chi ra 1,15 tỷ USD để nhập khẩu nhóm hàng này, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 19,05%.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 nhóm hàng này. Trong tháng 5, Việt Nam thu về 170 triệu USD, tăng mạnh 69% so với tháng 5/2023. Lũy kế 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 687 triệu USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 11,3%.
Ngoài 3 thị trường chính, nhiều thị trường cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong 5 tháng đầu năm như Mehico (214%), Australia (102%), Thổ Nhĩ Kỳ (120%),... Điều này cho thấy các hãng công nghệ và ô tô trên thế giới đang ngày càng tin tưởng vào chất lượng linh kiện, phụ tùng của Việt Nam.
Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ toàn ngành ô tô sụt giảm, việc xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô tăng trưởng chứng tỏ Việt Nam có vị trí trong chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.
Kết quả này một phần cũng nhờ tác động của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng , tìm nhà cung cấp linh kiện thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào “công xưởng” sản xuất của thế giới là Trung Quốc.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022 (theo JETRO).
Trong những năm qua, các doanh nghiệp của Nhật Bản, đặc biệt là Toyota đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam và lan tỏa triết lý kinh doanh tới cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp nội địa đã trở thành nhà cung cấp cho các hãng xe lớn trong và ngoài nước.
Hiện tại, THACO Industries là doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, với các sản phẩm nhựa cho ngành ô tô như: Cản xe, chụp mâm, lướt gió, ốp khoang hành lý, ốp che két nước, ốp gió xe bán tải và các linh kiện nội - ngoại thất. Thị trường xuất khẩu chính của THACO Industries là Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia.
Tại "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025", Chính phủ đã đề xuất mục tiêu xuất khẩu 90.000 xe ô tô và 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035.
Với những chính sách mới đã có hiệu lực như Thông tư 11 và sự quyết tâm của các doanh nghiệp Việt khi mở rộng nhà máy, dây chuyền lắp ráp, từng bước bắt kịp xu thế toàn cầu, ngành ô tô Việt Nam hứa hẹn đạt được những kỷ lục mới với những con số ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt việc tăng tỉ lệ nội địa hóa khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất xe ô tô trong nước.