Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 01/2023.
Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu trong năm 2023, chủng loại quả đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, trong đó quả sầu riêng góp phần vào mức tăng trưởng mạnh này, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022. Trung Quốc chính là điểm đến hàng đầu.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2019 - 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng.
Riêng năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về trị giá so với năm 2022; tăng 135,8% về lượng và tăng 318,5% về trị giá so với năm 2019. Giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 trung bình ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.
Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc. Sang năm 2023, thị phần sầu riêng Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm xuống còn 65,1%, đạt 929 nghìn tấn, trị giá 4,57 tỷ USD. Giá sầu riêng nhập khẩu bình quân từ thị trường Thái Lan ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 493 nghìn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107,0% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6%. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn, giảm 5,9% so với năm 2022.
Sầu riêng tươi của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022.
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.
Hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục khả quan.
Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng . Nhu cầu xuất khẩu tăng cao khiến giá bán tăng cao, diện tích trồng sầu riêng cũng tăng. Sầu riêng Monthong loại A hiện được các vựa ở Tiền Giang mua giá 200.000 đồng/kg, tăng gần 20% so với cuối năm ngoái.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng , tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.
Năm 2023 là một năm thành công đối ngành hàng rau quả , trong bối cảnh thị trường đối mặt với nhiều khó khăn. Với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng rau quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới.