Tại buổi trò chuyện cuối năm 2021, Giám đốc kế hoạch và trưởng phòng đấu thầu Coteccons đã chia sẻ những khó khăn cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp trong năm 2022.
Giá vật liệu xây dựng tăng không là trở ngại lớn
Theo vị giám đốc này, hai năm qua đại dịch Covid 19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có thị trường bất động sản và ngành xây dựng. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, thị trường BĐS vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm, dự án phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, chứng tỏ được tiềm năng sinh lời. Do đó, ngay sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, những dự án BĐS bị kìm nén lâu ngày như lò xo đã ngay lập tức được bung ra.
Đặc biệt hướng tới năm 2022 khi Việt Nam có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, thị trường BĐS kì vọng sẽ phục hồi trở lại, dự báo bùng nổ ở nhiều phân khúc, dự kiến phân khúc nhà thấp tầng sẽ trở nên sôi động.
Năm 2021 cũng là năm ghi nhận sự leo thang giá vật liệu xây dựng, ảnh hưởng đến ngành xây dựng nói chung. "Việc giá nguyên vật liệu xây dựng leo thang có tác động tới Coteccons nhưng đây không phải quan ngại lớn. Bởi chúng tôi luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp thân thiết để cùng nhau chia sẻ những khó khăn. Ngay tại thời điểm giá nguyên vật liệu leo thang, Coteccons cũng nhận được sự cảm thông từ CĐT để tháo gỡ và cùng nhau vượt qua giai đoạn này", vị Giám đốc này cho biết.
Cho đến nay khi giá nguyên vật liệu xây dựng đã bình ổn trở lại, doanh nghiệp này khẳng định sẽ đáp trả lại niềm tin và sự sẻ chia của CĐT thời gian qua bằng những giá trị cao nhất về chất lượng, tiến độ và an toàn lao động.
"Thời điểm cuối năm 2020, Coteccons gặp rất nhiều khó khăn khi không có dự án. Tuy nhiên tình hình đã bắt đầu khả quan từ Quý 1/2021 cho tới bây giờ giá trị hợp đồng đã kí cho cả năm của chúng tôi đã đạt tới 25.000 tỷ đồng", vị Giám đốc này cho hay.
Mở rộng mạnh mẽ sang BĐS công nghiệp và nhà ở thấp tầng
Đại diện "ông lớn" ngành xây dựng này cũng chia sẻ, liên tiếp dịch covid 19 lần thứ 3, thứ 4 ập đến với cường độ lây lan nhanh và bao phủ rộng khiến cho nhiều ngành nghề bị tê liệt. Dịch bệnh phức tạp vượt ngoài suy đoán của nhiều người làm ngưng trệ toàn thị trường.
Tuy nhiên, thực tế thị trường BĐS Tp.HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy từ đầu 2021 đến nay, bất chấp dịch bệnh, nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ giảm nhưng giá nhiều phân khúc vẫn không giảm nhiệt.
Lịch sử một lần nữa lặp lại khi đợt dịch lần thứ 4 đã được kiểm soát, thị trường BĐS đã nhanh chóng trở lại, thậm chí còn mạnh hơn các lần trước. Bởi vì dù nhiều yếu tố tác động lên nhưng mức độ quan tâm của người mua (cung cầu) đến thị trường vẫn luôn cao.
Nguyên nhân chính cho nhu cầu thị trường vẫn luôn cao là do các yếu tố khách quan. Hiện nay tốc độ đô thị hóa rất nhanh, hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng diễn ra liên tục do chính sách phát triển hạ tầng khu vực phía Nam được đẩy mạnh. Việc này thúc đẩy làn sóng đầu tư liên vùng, thậm chí thu hút cả các nhà đầu tư phía Bắc.
Như vậy, BĐS tăng chắc chắn phải có sự liên hệ với ngành xây dựng, Theo đó, năm 2022, thị trường xây dựng sẽ có sự trở lại mạnh mẽ trên hầu hết các phân khúc, đặc biệt là BĐS công nghiệp và nhà ở.
"Hiện nay theo số liệu thống kê từ phòng đấu thầu và phòng kiểm soát chất lượng hợp đồng, các dự án trúng thầu của Coteccons đang có xu hướng dần dịch chuyển sang xu hướng phân khúc thấp tầng và nhà xưởng công nghiệp. Do đặc thù của các phân khúc này cần đến quỹ đất rộng nên các công trình của Coteccons cũng đang xuất hiện tại các vùng ven", Giám đốc kế hoạch và trưởng phòng đấu thầu Coteccons chia sẻ kế hoạch.
Được biết, ông lớn này đã ghi điểm ở phân khúc nhà xưởng, khu công nghiệp với công nghệ fast track trong thi công và thiết kế đạt hiệu quả trong một thời gian ngắn. Những dự án tiêu biểu của Coteccons và Unicons có thể kể đến: tổ hợp sản xuất Vinfast, Timberland Manwah, Gain Luckly, BWID …. Ở phân khúc nhà ở thấp tầng, doanh nghiệp này đang đón nhận các dự án có quy mô lớn 2 miền Bắc, Nam.