Nỗi ám ảnh giá thấp
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10, tổng giá trị XK cá tra đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Do giá trị XK cá tra sang một số thị trường lớn như Mỹ, Brazil và Colombia vẫn còn chìm sâu trong tăng trưởng âm, giá nguyên liệu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nên XK cá tra trong thời gian này không thể tăng cao hơn. Đáng chú ý trong câu chuyện XK cá tra là khó khăn liên quan đến chính sách NK từ thị trường XK cá tra hàng đầu của Việt Nam là Mỹ.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. Thậm chí, Trung Quốc-thị trường XK cá tra hàng đầu của Việt Nam cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam. Sản phẩm cá tra của các nước này đã tham gia vào thị trường XK, mặc dù hiện đang chiếm thị phần nhỏ nhưng việc các quốc gia này đầu tư tăng sản lượng nuôi sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các DN Việt Nam. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là ngành cá tra phải thay đổi theo hướng tích cực cải thiện từ nuôi, chế biến, XK, tổ chức sản xuất, chế biến gắn kết chặt chẽ với phát triển thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tăng thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng trong giai đoạn 1/8/2016 đến 31/7/2017. Cụ thể, mức tăng cao nhất là Công ty CP Hùng Vương Group từ 0 USD/kg ở kết quả sơ bộ lên 3,87 USD/kg. DN XK cá tra khác là C.P Vietnam, CL-FISH, GREEN FARMS SEAFOOD và VINH QUANG CORP bị áp mức thuế 1,37 USD/kg. Thuế suất toàn quốc vẫn giữ 2,39 USD/kg. "Tính đến hết tháng 10, XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 232,9 triệu USD, giảm sâu tới 45,8% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đây là mức giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây", VASEP tính toán.
Về câu chuyện XK cá tra sụt giảm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Nguyên nhân do cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan. Trung Quốc và Malaysia bắt đầu nuôi cá tra.
Tại thị trường trong nước, nỗi ám ảnh đeo đẳng ngành cá tra suốt năm nay là giá bán quá thấp. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá cá tra giảm liên tục. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin: Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 11 tiếp tục đứng giá ở mức thấp, dao động trong khoảng 20.000-20.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại dao động 19.000- 19.700 đồng/kg. Mức giá này giảm khoảng 5.000-8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường giao dịch chậm, các công ty chủ yếu thu hoạch cá trong vùng nuôi của DN và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định: "Năm ngoái cá tra được giá, người dân đổ xô nuôi dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Trong khi đó, XK cá tra năm nay chững lại sau một năm tăng trưởng mạnh. Với mức giá bán dưới giá thành, có lúc chỉ 19.000 - 20.000 đồng/kg, không ai có thể chịu nổi".
Le lói tin mừng dịp cuối năm
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) dự kiến, cả năm nay XK cá tra sẽ đạt 2,3 tỷ USD. Bên cạnh những khó khăn về thị trường, nỗi buồn giá thấp, điểm đáng mừng là những ngày cuối năm, ngành cá tra Việt đã đón nhận thông tin khá tích cực. Cụ thể, ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam XK sang Mỹ sau hơn 3 năm nỗ lực từ phía Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT đánh giá: Việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam XK sang Mỹ khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, ATTP chuỗi sản xuất, chế biến XK cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường XK không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được bổ sung thêm DN đăng ký XK cá tra vào Mỹ (hiện nay là 13 DN) và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà NK Mỹ yên tâm NK. Điều này giúp gia tăng sản lượng, giá trị XK cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019. "Đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ sẽ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản", ông Tiệp nói.
Ông Dương Nghĩa Quốc cũng cho rằng, việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam XK sang Mỹ đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng này. Ngoài ra, những điều kiện thuận lợi kỳ vọng XK cá tra sẽ hồi phục trong năm 2020 còn là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bọ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) với cam mức thuế NK thủy sản rất có lợi cho DN XK của Việt Nam; thị trường các nước ASEAN tiếp tục ổn định…
VASEP nhìn nhận, EVFTA sẽ là "cú hích" rất lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Với CPTPP theo VASEP, các DN XK cá tra cũng có thể lạc quan tin tưởng rằng sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam tại một số thị trường truyền thống hoặc tiềm năng với cá tra như Mexico, Nhật Bản, Chile.