Tháng 8, thị trường tài chính Việt Nam tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng, sôi động và "mạnh tay" hơn so với những tháng trước đó.
Dẫn đầu thị trường về độ lớn của lãi suất hiện nay là những cái tên của các ngân hàng nhỏ như SCB với mức lãi suất 7,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
Bám sát ngay sau đó là CBBank với mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên. Đặc biệt, ngân hàng này "chơi trội" khi xuất hiện mức lãi suất 7,1%/năm ở kỳ hạn 6 tháng. Biểu lãi suất của CBBank được điều chỉnh hồi cuối tháng 7 và thậm chí không có đính kèm bất cứ điều kiện nào về số tiền gửi tối thiểu.
Ngân hàng Bản Việt tăng từ 0,2-0,4 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi từ 6-12 tháng. Trong đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 6 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 6,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,4 điểm phần trăm lên 6,4%/năm và lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 6,8%/năm. Lãi suất cao nhất tại đây là 7% dành cho kỳ hạn 24 tháng theo hình thức gửi trực tuyến, trả lãi cuối kỳ.
Ở quy mô lớn hơn, Ngân hàng Techcombank thông báo từ ngày 01/08/2022 tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm thêm 0,6%/năm, lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cũ là 6,3% (kỳ hạn 36 tháng, gửi online). Với những khách hàng mở mới khoản tiền gửi đầu tiên sẽ được tặng thêm 0,5%/năm, Techcombank quảng cáo mức lãi suất cao nhất là 6,5%/năm
Hàng loạt ngân hàng khác như Vietcombank, MB, VPBank, ACB… cũng đều tăng biểu lãi suất.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8-2022 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy trong tháng 8, nhiều Ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,5 điểm %, tùy kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng từ 0,8-1 điểm %.
Tại một số Fintech đang có sản phẩm gửi tiết kiệm sinh lãi, mức lãi suất được xây dựng dựa trên cơ sở mức lãi suất của ngân hàng liên kết với Fintech đó. Mặc dù vẫn luôn ở mặt bằng hấp dẫn hơn so với ngân hàng nhưng trước xu hướng tăng của lãi suất, các chuyên gia cho rằng Fintech cũng không thể đứng ngoài.
Dù vậy, khảo sát trên thị trường, chưa có nhiều Fintech và ngân hàng số thông báo tăng lãi suất cho các sản phẩm dạng tích lũy, tiết kiệm. Thậm chí có đơn vị giảm lãi suất theo lộ trình thiết kế sản phẩm.
Nhanh chân nhất thị trường trong cuộc chạy đua tăng lãi suất với ngân hàng chính là ngân hàng số CAKE (Cake by VPBank).
Theo đó, CAKE thông báo tăng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn (hay mở sổ tiết kiệm online trên ứng dụng Ngân hàng số Cake) từ 10 giờ ngày 15/08. Với mức tiền gửi tiết kiệm thấp nhất từ 100.000 đồng, lãi suất cho kỳ hạn từ 12 tháng tại CAKE đều trên mức 7%. Kỳ hạn 6 tháng cũng hưởng mức lãi suất tới 6,6%/năm.
Đó là mức lãi suất áp dụng cho các khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng. Áp dụng lãi suất bậc thang cho các khoản tiền gửi lớn hơn 50 triệu đồng, mức lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng – 36 tháng cao hơn, với mức thấp nhất là 6,7%/năm và cao nhất là 7,7%/năm.
Trước đợt tăng lãi suất này, mức lãi ngân hàng số Cake chi trả cao nhất là 7,1%/năm, đứng sau SCB. Như vậy, hiện nay, CAKE đã vươn lên vị trí số 1.