Tại hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc, một nhóm người mua tụ tập quanh một quán cafe tự động, háo hức theo dõi một cặp cánh tay robot đang pha chế một ly latte.
Quán cà phê robot này đã thu về các đơn đặt hàng trị giá 8 triệu nhân dân tệ (1,1 triệu USD) trong 2 ngày đầu tiên của Hội chợ Canton tại Quảng Châu - nhiều hơn những gì nhà sản xuất kỳ vọng.
"Thật bất ngờ, sự nhiệt tình của người mua trong năm nay là rất lớn", Han Zhaolin, người sáng lập Dolphin Robot Technology cho biết. "Người mua từ Việt Nam, Trung Đông đã thể hiện mong muốn mua hàng rất lớn".
Nhóm của Han đã không chắc chắn về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nơi 2 bên liên tục tăng thuế đối với hàng hoá của nhau – sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh số của họ. Tuy nhiên, cuối cùng họ chẳng có gì phải lo lắng.
Là sản phẩm thế hệ thứ 5, nắm giữ gần 100 bằng sáng chế, robot pha cà phê của công ty phải đối mặt với rất ít sự cạnh tranh quốc tế, Han cho biết. Điều này cho phép công ty đứng vững trước tình hình cạnh tranh phức tạp.
"Chúng tôi không chịu thuế quan, cũng không cần hạ giá sản phẩm", ông nói. "Không có sản phẩm nào tương tự được sản xuất tại Mỹ, Đức hoặc Nhật Bản. Các sản phẩm tương tự từ Hàn Quốc thì có giá gấp đôi".
Quán cafe tự động từ Dolphin Robot Technology.
Trường hợp của Han phản ánh một xu hướng lớn xuất hiện tại Hội chợ Quảng Châu: từ robot vệ sinh các toà nhà chọc trời đến chân tay giả, nhiều sản phẩm thông minh do Trung Quốc sản xuất đã chứng minh được khả năng chống chịu được tác dộng của cuộc chiến thương mại.
Trong nhiều trường hợp, các chi tiết cốt lõi của sản phẩm đều có nguồn gốc nội địa, đồng nghĩa không chịu ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu. Chúng cũng có giá thấp hơn nhiều so với các sản phẩm đối thủ từ châu Âu hay châu Mỹ - và phát triển nhanh hơn nhiều – cho phép duy trì khả năng cạnh tranh cao ngay trong bối cảnh thuế quan phức tạp.
Zhejiang Qiangnao Technology là một ví dụ khác. Công ty đang tiến hành đưa các mẫu chân, tay giả của mình – điều khiển bằng các thuật toán được đào tạo bằng nghiên cứu giao diện não-máy tính – vào thị trường Mỹ bất chấp những căng thẳng hiện tại.
Pan Siyu, đại diện công ty, cho biết chân tay giả thông minh của họ đã nhận được chứng nhận thiết bị y tế từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹvaf được hệ thống bảo hiểm y tết Mỹ chi trả.
Với mức giá 50.000 USD, các sản phẩm này có sức cạnh trên thị trường ở mức thuế quan hiện tại. "Chân và tay sinh học thông minh của chúng tôi có giá chỉ bằng 1/5 đến 1/7 giá của các sản phẩm tương tự từ phương Tây", bà cho biết. "Tất cả phụ thuộc vào mức thuế quan cao như thế nào. Các chính sách của Mỹ thay đổi thường xuyên. Chúng tôi không thể dự đoán sản phẩm tiếp theo của mình sẽ được phân loại như thế nào".
Giải thưởng "Best of the Best" tại Hội chợ Quảng Châu năm nay được trao cho một robot vệ sinh các toà nhà chọc trời do Lingdu Intelligent Tech Development, một công ty có trụ sở tại Quảng Châu, phát triển.
Giống nhiều sản phẩm thông minh khác trong số 90.000 sản phẩm được trưng bày tại hội chợ, robot này thực sự độc đáo. Nó có thể được sử dụng để vệ sinh các toà nhà chọc trời cao 500 m, không cần hệ thống ống nước bên ngoài và có thể bám chặt vào các bức tường bằng kính ngay cả khi gặp bão cấp 12.
Một mẫu robot chuyên vệ sinh các tấm pin năng lượng mặt trời từ Lingdu.
"Có rất ít đối thủ cạnh tranh trên thị trường", Chen Sihong, giám đốc bán hàng của Lingdu, cho biết. "Các sản phẩm khác vẫn cần đường ống và dây nước bên ngoài và chỉ có thể vươn tới khoảng 60m".
Lingdu hiện bán robot vệ sinh của mình tại hơn 20 quốc gia, trong đó xuất khẩu chiếm tới 80% doanh số bán hàng. Chen cho biết sự quan tâm của người mua tại Hội chợ Quảng Châu rất lớn, đặc biệt là người mua từ Trung Đông.
"Dịch vụ vệ sinh rất đắt đỏ ở nước ngoài. Chi phí vệ sinh tường ngoài của một toà nhà là khoảng 2 USD cho một mét vuông, trong khi sử dụng robot của chúng tôi chỉ tốn khoảng 0,27 USD, ông cho biết. "Khoản đầu tư có thể được thu hổi chỉ sau 1,2 lần vệ sinh toà nhà. Thêm vào đó, robot có thể hoạt động 24/7 và có tuổi thọ lên đến 8 năm".
Chen không trực tiếp đề cập đến tác động của thuế quan Mỹ đối với doanh số bán hàng của công ty nhưng nhấn mạnh lợi thế về chi phí và sự đối mới nhanh chóng của các sản phẩm công nghệ Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian.
Cuộc chiến thương mại thậm chí khiến nhiều người mua nước ngoài quan tâm hơn và sẵn sàng dùng thử thế hệ sản phẩm mới của Trung Quốc.
Quán cafe tự động của Dolpin Robot chỉ chiếm 2,5 mét vuông diện tích sàn, có thể pha chế hơn 50 loại đồ uống, bao gồm nhiều loại cà phê, trà sữa, matcha và đồ uống chocolate. Mỗi cốc chỉ mất 50 giây để pha chế và có thể tuỳ chỉnh theo kích thước, độ mạnh, nhiệt độ, độ ngọt và lượng đá.
Theo Han Zhaolin, điểm hấp dẫn nhất của hệ thống này chính là chi phí vận hành thấp. "Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể quản lý toàn bộ quán cafe robot từ xa", ông cho biết. "Nó có thể tự sửa chữa 90% sự cố, hoạt động liên tục 10 năm mà không cần thuê bất cứ ai và chi phí điện hàng tháng chỉ từ 300 đến 500 nhân dân tệ - chưa đến 5.000 nhân dân tệ một năm".
"Ngược lại, một quán cà phê thông thường ở Mỹ phải trả hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng chỉ cho tiền điện". Theo một số cách, chiến tranh thương mại thậm chí là cơ hội cho công ty, Han nói thêm.
"Đó không phải là điều tồi tệ", ông cho biết. "Nó khiến nhiều người mua nước ngoài quan tâm hơn và sẵn sàng dùng thẻ thế hệ sản phẩm công nghệ mới của Trung Quốc. Đó là một trong những điều tôi rút ra nhiều nhất từ Hội chợ Quảng Châu năm nay".