Theo số liệu thống kê của Cục Lâm nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam thu về 7,95 tỷ USD, tăng khoảng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm nay. Đáng chú ý, một số thị trường chính của gỗ và lâm sản Việt Nam tăng mạnh như Mỹ (đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023) và Trung Quốc (đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%).
Tại tọa đàm "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh" và công bố FIATA World Congress 2025 vào chiều 9/7, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 5 thế giới, xét về tổng kim ngạch xuất khẩu . Ngoài ra, nếu chỉ tính đến nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như đồ mộc trong nhà và ngoài trời, ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Vifores, xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện đã vươn tới 170 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu . Đặc biệt, Mỹ chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Nếu Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế thì có tới 4 chiếc 'made in Vietnam'.
Trên thực tế, Mỹ vẫn đang là thị thường lớn nhất về xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản khẩu gỗ sang Mỹ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm tới 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Việc Mỹ tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt, cho thấy nhu cầu hiện đang phục hồi nhanh tại quốc gia này. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới Mỹ.
Tương tự, tại thị trường Trung Quốc, gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam rất được ưa chuộng tại quốc gia này, với kim ngạch đạ hơn 1 tỷ USD chỉ trong nửa năm 2024. Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nguồn cung cấp về đồ gỗ nội thất lớn thứ ba, chỉ sau Ý và Đức.
Trong năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,2 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, triển vọng về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta dự báo sẽ tiếp tục duy trì về tốc độ tăng trường 2 con số. Những yếu tố hỗ trợ cho triển vọng tiềm năng này là do theo chu kỳ hàng năm, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng tăng, nhất là những nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ ở các thị trường lớn thường tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm thị trường nhà ở bước vào hoàn thiện cũng như nhu cầu cải tạo, sắm sửa trang thiết bị nội thất để chào đón năm mới.
Bên cạnh đó, do lạm phát tại các thị trường lớn được kiểm soát nên tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng xanh. Thực tế là nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều được các chuyên gia dự báo rằng có tăng trưởng tích cực trong năm nay.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sản phẩm gỗ khá đặc thù, đồng thời có đặc điểm cồng kềnh hơn so với những sản phẩm khác cũng như chi phí vận tải biển rất cao. Trên thực tế, có những hợp đồng giá trị hàng hóa chỉ tương đương với chi phí vận chuyển.
Chính vì vậy, theo lãnh đạo Vifores, chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics chính là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ. Các doanh nghiệp trong ngành gỗ cần phải hướng tới chế biến xanh, tăng trưởng xanh và tăng trưởng xanh, vì các sản phẩm gỗ vốn rất nhạy cảm về mặt môi trường.
Về kế hoạch trong 6 tháng cuối năm, Cục Lâm nghiệp cho biết, thứ nhất, cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cũng như giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu . Thứ hai, phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại. Thứ ba, bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Bài tham khảo nguồn: Mard, Moit, Vifores, GAC