Anh Bùi Văn Phụng thôn Thượng Phú Phường, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) nổi tiếng với xưởng cơ khí sáng chế, chế tạo máy làm bún, phở, bánh ướt, mỳ Quảng các loại.
Máy làm bún, phở của anh liên hoàn tự động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập...
Anh Bùi Văn Phụng thôn Thượng Phú Phường, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong nổi tiếng với xưởng cơ khí chế tạo máy làm bún, phở, bánh ướt, mỳ quảng các loại liên hoàn bằng hệ thống điện tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Anh Bùi Văn Phụng (trái) thôn Thượng Phú Phường, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) giới thiệu máy làm bún, phở, mỳ Quảng tự động liên hoàn. |
Dàn máy chế biến sản xuất bún, phở liên hoàn của anh Bùi Văn Phụng được người dân sử dụng rất hiệu quả.
Sáng chế máy từ thực tế sản xuất
Gặp anh Phụng tại xưởng cơ khí, trông anh thật thà đúng chất của một anh nông dân thực thụ và khiêm tốn với những gì mình đã làm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm bún ở làng nghề bún truyền thống xã Triệu Sơn, anh thấu hiểu được "cảnh thức khuya, dậy sớm" và phải trải qua nhiều công đoạn rất vất vả mới ra sản phẩm.
Thời điểm đó nghề làm bún chủ yếu làm bằng thủ công, các dụng cụ để sản xuất rất thô sơ do người dân tự chế tác như: Cối đá, chày gỗ, rổ rá đan bằng tre, lá chuối...
Bên cạnh đó quá trình sản xuất trải qua công đoạn ngâm ủ gạo phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Từ đó, anh nung nấu ý định chế tạo ra máy làm bún nhằm rút ngắn một vài công đoạn để các hộ sản xuất đỡ vất vả.
Năm 1994 anh bắt đầu với ý tưởng tạo ra máy xay gạo thay cho công đoạn giã gạo thành bột bằng cối đá. Học xong lớp 12, không học qua cơ khí cũng như kỹ thuật điện, anh tự tìm hiểu qua tivi, báo, đài, sản phẩm anh sáng chế đầu tay là máy xay gạo chạy bằng máy nổ. |
Vừa tự áp dụng vừa rút kinh nghiệm, rồi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm thợ cơ khí học kỹ thuật chế tạo vận hành máy.
Anh Phụng chia sẻ: "Thời gian đó ở tỉnh Quảng Trị và các vùng lân cận chưa có máy cắt, máy tiện vật liệu, nên những ý tưởng không thực hiện được, qua tìm hiểu tôi mới tìm vào thành phố Hồ Chí Minh để học. Kết hợp với kinh nghiệm thực tế của bản thân...".
Với số vốn vay mượn 45 triệu đồng, năm 2007 bắt đầu mở xưởng cơ khí nhỏ tự tạo ra các loại máy tách lúa tạp chất từ gạo, …
Đến nay anh Phụng đã tự sáng chế, chế tạo ra được chuỗi máy làm bún, phở, bánh ướt liên hoàn bằng hệ thống điện tự động hóa 3 pha.
Từ gạo sau khi được xay thành bột bỏ vào máy liên hoàn thành sản phẩm bún, phở, bánh ướt đạt chất lượng. Hệ thống máy liên hoàn gồm máy đánh bột, ép thành sợi (phở, bún) rồi cuối là nồi luộc sợi chín. Tùy sản phẩm mà hệ thống máy liên hoàn khác nhau ở bộ phận tạo khuôn thành phẩm.
"Tôi làm thợ sáng chế, sản xuất ra máy nhưng chính những người dân vận hành máy góp ý những hạn chế, trong số đó có người chia sẻ kinh nghiệm về máy để tôi dần khắc phục và hoàn thiện máy. Tùy theo năng suất sản xuất của hộ là 1,5 – 2 tạ/giờ, 2,5 – 3 tạ/giờ hay cao hơn để chế tạo ra công suất của máy tương ứng tiết kiệm được điện năng cho người làm nghề...", anh Phụng chia sẻ.
Vẫn ấp ủ những sáng chế mới
Hiện tại, anh vẫn đang ấp ủ chế tạo được dàn máy liên hoàn đối với làm bột bánh canh, thay vì từng công đoạn riêng lẽ của từng loại máy độc lập.
Với giá 70 – 80 triệu đồng/dàn máy liên hoàn tùy công suất máy, người làm nghề đầu tư một lần là sản xuất được cả đời. Ngoài ra còn tùy nhu cầu của hộ sản xuất cần từng loại máy độc lập với những mức giá khác nhau.
Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng bún, phở, bánh ướt, mỳ Quảng các loại...ngày càng nhiều, các dàn máy chế tạo của anh Phụng càng phát huy tác dụng.
Thời gian đầu, mỗi tháng cơ sở sản xuất 4 dàn máy làm bún, phở tự động để kịp cung cấp. Dần thị trường máy bảo hòa, hiện nay anh chủ yếu sản xuất máy theo đơn đặt hàng. Theo lời anh Phụng, từ năm 2007 đến nay cơ sở của anh đã sản xuất hơn 500 máy các loại: máy tách tạp chất, máy vo gạo, máy xay gạo, bột, máy ép, dàn máy liên hoàn…
Ngoài phục vụ các hộ làm nghề trong tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình, TT-Huế thì con em trong xã qua Lào lập nghiệp cũng đã tìm đến cơ sở đặt mua máy. Với diện tích 200m2, có đầy đủ các loại máy cắt, máy tiện, máy hàn…xưởng sản xuất cơ khí của gia đình anh Bùi Văn Phụng đã tạo việc làm cho 4-5 thợ với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng/người. |
Ngoài xưởng cơ khí, gia đình anh còn có cơ sở xay sát, cung cấp lúa, gạo lớn của địa phương và các vùng lân cận. Sau khi trừ chi phí, khấu hao tài sản, thu nhập của gia đình anh mỗi năm 600 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi tiếng với 2 làng nghề làm bún truyền thống Linh Chiểu và Thượng Trạch với hơn 100 hộ làm nghề.
Anh Bùi Văn Phụng là người tiên phong của địa phương chế tạo ra các loại máy sản xuất bún, phở, bánh, bột các loại… giá máy phù hợp với khả năng của người làm nghề. Nhờ sáng chế của anh Phụng, đến nay, ầu hết các hộ làm nghề đều sử dụng loại máy của anh sản xuất.
Nhờ đó nghề làm bún ở xã Triệu Sơn đỡ vất vả hơn, tiết kiệm được công lao động của gia đình. Cơ sở sản xuất cơ khí và xay sát lúa gạo của anh Bùi Văn Phụng đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Anh đã đóng góp rất lớn trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm nên thương hiệu “bún sạch Vạn Linh” (thôn Linh Chiểu) đạt 3 sao của chương trình OCOP của tỉnh Quảng Trị năm 2019 và nhãn hiệu tập thể “bún Thượng Trạch” năm 2020.
Từ một người nông dân làm bún, anh Bùi Văn Phụng đã trở thành một người thợ cơ khí được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận về những sáng kiến.
Anh là đại diện những nông dân dám nghĩ dám làm, là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, được Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị tuyên dương tại Hội nghị tổng kết phong trào sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2010 - 2016 và nhiều Giấy khen, Bằng khen của UBND huyện, tỉnh về những sáng chế của mình. |
(Theo Dân Việt)