Thị trường chứng khoán đang có những nhịp giằng co mạnh quanh mốc điểm cao mới, VN-Index tăng giảm đen xen trong bối cảnh đà tăng của nhóm vốn hóa lớn chưa đủ bền vững. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân không còn quá "dễ dãi" sau những cú sập của thị trường càng khiến xung lực tăng điểm trở nên yếu hơn. Kết thúc phiên giao dịch 18/2, VN-Index dừng tại mốc 1.504,84 điểm, tương ứng nhích nhẹ 0,21% so với thời điểm cuối tuần trước.
Dù thị trường chung không thực sự tích cực, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng phải chịu tình cảnh thua lỗ. Bất chấp xu hướng sụt giảm của thị trường, vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu ngược dòng tăng mạnh, trong đó nổi bật là cổ phiếu PBP của Công ty cổ phần Bao bì Dầu khí Việt Nam hiện đang giao dịch trên sàn HNX.
Cụ thể, PBP trở thành tâm điểm sự chú ý khi có 4 phiên liên tiếp tăng kịch trần chỉ trong tuần giao dịch vừa qua, 3 phiên giao dịch trước đó cũng tăng với biên độ lớn quanh ngưỡng 7%. Sau chuỗi ngày tăng "nóng", PBP thiết lập đỉnh giá mới 23.300 đồng (18/2). Như vậy, cổ phiếu này đã tăng 55% chỉ sau 1 tuần. nếu nhìn rộng hơn trong chuỗi 8 phiên chỉ tăng và tăng trần gần đây nhất của PBP, giá cổ phiếu này đã tăng hơn 83%.
Song song với đó, PBP cũng hút thêm thanh khoản, khối lượng giao dịch từ mức hầu như không có giao dịch đã tăng mạnh trong một vài phiên gần đây, ghi nhận hàng trăm nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.
Diễn biến cổ phiếu PBP trong vòng 1 năm gần đây
PBP được biết với vai trò là công ty con của Đạm Cà Mau, cung cấp toàn bộ bao bì cho sản phẩm của Đạm Cà Mau. Bao bì cung cấp cho Đạm Cà Mau chiếm 80% sản lượng của PBP hàng năm. Cơ cấu cổ đông tại PBP cũng khá cô đặc, với việc Đạm Cà Mau nắm giữ 48,6% vốn (2,3 triệu cổ phần); một cổ đông lớn Phạm Duy Khánh sở hữu 8,56% vốn, và hai cổ đông khác là Nguyễn Hữu Kiệm (4,96% vốn) và Cao Khải Hoàn (3,61% vốn).
Diễn biến giao dịch tại PBP do đó cũng không biến động quá lớn, gần đây nhất ông Phạm Duy Khánh vừa tiến hành mua vào 45.000 cổ phiếu PBP trong phiên 10/2 - ngay trước thời điểm thị giá tăng phi mã - để nâng tỷ lệ sở hữu kên 8,56% như hiện tại, tương ứng giữ gần 411 nghìn cổ phần PBP.
Kết quả kinh doanh đi ngang, quý 4 lãi chưa đến 1 tỷ đồng
Cổ phiếu tăng mạnh là vậy, tuy nhiên, ngược với đó, kết quả kinh doanh thời gian gần đây của công ty bao bì này lại không mấy khả quan.
Cụ thể, trong quý 4/2021, doanh thu PBP gần như đi ngang, đạt gần 130 tỷ đồng. Chi phí giá vốn chiếm tỷ trọng lớn nên doanh nghiệp đạt hơn 9 tỷ lãi gộp, cộng thêm áp lực chi phí bán hàng và chi phí QLDN nên PBP lãi vỏn vẹn gần 660 triệu đồng trong quý 4/2021, giảm mạnh 87% so với số lãi gần 5 tỷ của cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2021, mặc dù doanh thu có tăng trưởng 19% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn phát sinh tăng mạnh hơn, cộng thêm các chi phí trong hoạt động kinh doanh nên trong năm 2021 PBP chỉ đạt LNST hơn 5,8 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước đó.
Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của PBP ghi nhận hơn 102 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm, trong đó tiền và tương đương tiền chiếm 17 tỷ, hàng tồn kho chiếm hơn 38 tỷ, còn lại chủ yếu là tài sản cố định.
Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2021 đạt gần 39 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. LNST chưa phân phối xấp xỉ 6 tỷ đồng.
Mới đây, HĐQT PBP đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, với chỉ tiêu sản xuất là hơn 25,3 triệu bao bì và 11 triệu tấn phân bón; tiêu thụ hơn 25,3 triệu bao bì và 16 triệu tấn phân bón.
Theo đó, doanh thu kỳ vọng đạt 348 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 2,7 lần thực hiện trong năm 2021; LNST mục tiêu đạt hơn 6,6 tỷ, tăng 14%. PBP dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 8,5%.