Kể từ đầu tuần trước khi những thông tin tiêu cực xuất hiện và gây ra những tác động tiêu cực, chỉ số VN-Index đã bước vào nhịp điều chỉnh trước áp lực bán ra ngày càng dâng cao của nhà đầu tư trên thị trường. Trong phiên 17/1, chỉ số chính đã có một cú chỉnh mạnh khi "đánh rơi" hơn 43 điểm để kết phiên tại mức thấp nhất cả phiên là 1.452,84 điểm, chọc thủng ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm vừa mới kiểm định thành công trong tuần trước để lui xuống dưới ngưỡng SMA10.
Bên cạnh những cổ phiếu đầu cơ dòng bất động sản hay nhóm FLC tiếp tục giảm sàn trắng bên mua, nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán hôm nay cũng bất ngờ ngập trong sắc "xanh sàn", có mã dư bán giá sàn lên cả triệu đơn vị. Gần như cổ phiếu chứng khoán nào cũng đều giảm hết biên độ trong phiên, trước khi một số hồi phục để "thoát sàn’ vào thời điểm kết phiên giao dịch, con số giảm sàn khi kết phiên là 20 cổ phiếu.
Cụ thể, SSI giảm 7% xuống còn 45.300 đồng/cổ phiếu; VND giảm 6,9% xuống còn 67.000 đồng/cổ phiếu, VCI giảm 6,9% xuống còn 57.800 đồng/cổ phiếu; HCM giảm 7% xuống 38.800 đồng/cổ phiếu, CTS giảm 7% xuống 41.400 đồng/cổ phiếu, VIX giảm 7% xuống 28.600 đồng/cp,…
Trên HNX và UPCoM với biên độ dao động lớn hơn, MBS giảm sàn 10% xuống còn 17.900 đồng/cổ phiếu, SHS, IVS, APS, HBS, PSI, VIG cũng đồng loạt giảm sàn 9,9%; SBS và TCI thoát giá sàn vào lúc cuối phiên để đóng cửa với mức giảm 13,3%...
Có thể thấy, cổ phiếu chứng khoán sau một năm 2021 đầy thăng hoa đã dần hạ nhiệt từ giai đoạn cuối năm 2021, nhiều mã đi vào nhịp sideway hoặc điều chỉnh nhẹ, những cơn sóng ngành thỉnh thoảng có ‘dập dìu’ song cũng không kéo dài được lâu. Nguyên nhân cho việc này có thể xuất phát từ định giá P/B của những cổ phiếu này đã bị đẩy lên mức cao chưa từng có trong lịch sử sau giai đoạn tăng "nóng".
Theo tính toán theo dữ liệu của SSI Research cập nhật đến hết phiên 14/1/2022, thị trường ghi nhận 14 mã cổ phiếu chứng khoán có P/B > 2,5 lần, cao nhất là cổ phiếu SBS với P/B lên tới 9,85 lần, theo sau là CSI với P/B 6,33 lần; các ‘anh cả’ đầu ngành như SSI, VND, VCI, MBS cũng có mức P/B cao trên 3 lần.
Mức định giá cao khiến cổ phiếu ngành chứng khoán mất đi sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Dòng tiền bị cuốn theo nhóm đầu cơ lại càng thêm "lãng quên" những cổ phiếu chứng khoán, thanh khoản không ghi nhận sự cải thiện và thị giá cổ phiếu theo đó cũng mất đi xung lực tăng điểm.
Bên cạnh đó, cuộc đua tăng vốn trong năm 2021 như liều "dopping" thổi vào giá cổ phiếu ngành chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân ồ ạt tham gia vào thị trường chứng khoán, có thời điểm giá trị giao dịch của lực lượng này chiếm tới 90% tổng lượng giao dịch chung. Đặc điểm của lực lượng này chính là tâm lý FOMO khi không muốn bị "lỡ sóng", do đó nhu cầu vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán đã được đẩy tăng lên mức đỉnh điểm. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tăng vốn bằng nhiều hình thức, lượng margin tại nhiều công ty chứng khoán hiện đã hết "room". Do đó triển vọng tăng trưởng từ hoạt động cho vay thời điểm này sẽ không quá sáng như trước, nếu không sớm được tăng vốn.
Cũng cần nói thêm rằng, rủi ro đang dần xuất hiện tại một số công ty chứng khoán với nhịp điều chỉnh mạnh của dòng cổ phiếu bất động sản trong những phiên trở lại đây. Theo đó, việc cổ phiếu nằm sàn liên tiếp nhiều phiên đang làm nổi lên những lo ngại về mức độ ảnh hưởng tới các công ty chứng khoán, đặc biệt là khi lượng cho vay margin tại các cổ phiếu bất động sản hiện ở mức rất cao tại nhiều công ty. Ghi nhận trong phiên ngày 17/1, hiện tượng bán giải chấp tài khoản đã xuất hiện tại một số công ty chứng khoán.
Dù đang có những biến động kém tích cực trong ngắn hạn nhưng ngành chứng khoán cũng như cổ phiếu của ngành vẫn được nhiều kỳ vọng khi mà lượng nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn còn khá khiêm tốn so với khu vực.
Trong báo cáo mới được công bố, Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) vẫn khá lạc quan khi cho rằng đằng sau nền kinh tế có thu nhập trung bình đang phát triển của Việt Nam là một thị trường vốn chưa được khai thác tối ưu, tạo cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán phát triển. MBKE nhận thấy nhu cầu lớn từ các NĐT cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đối với các giải pháp tài chính đa dạng hơn, bao gồm các khoản đầu tư trong đó có cổ phiếu.
Mặc dù tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán cao nhưng MBKE đánh giá vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng khi con số này chỉ chiếm 4% dân số cả nước và chỉ khoảng 20% NĐT hiểu biết về công nghệ, nhiều người trong số đó thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Cộng thêm việc đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa Doanh nghiệp Nhà nước, MBKE kỳ vọng sự tham gia sẽ tiếp tục tăng mạnh và bền vững hơn.
MBKE tin rằng các tổ chức dịch vụ tài chính hàng đầu đang sẵn sàng hưởng lợi nhiều từ xu hướng tăng giá này trong tương lai gần, ví dụ như VND và VCI.