Xuất khẩu dầu nhiên liệu từ Kuwait, một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu của OPEC ước tính đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2. Nguyên nhân là bởi Nhà máy lọc dầu Al-Zour mới đã tăng cường xử lý nhiên liệu hết công suất.
Theo dữ liệu theo dõi tàu biển từ công ty phân tích Kpler được Reuters trích dẫn, trong tháng 2, xuất khẩu dầu mazut từ Kuwait đạt mức cao kỷ lục khoảng 720.000 tấn, tương đương 158.000 thùng/ngày.
Còn theo số liệu từ LSEG, xuất khẩu dầu mazut của Kuwait trong tháng 2 đạt khoảng 516.000 tấn, đây là sản lượng xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 3/2016.
Kể từ khi nhà máy lọc dầu Al-Zour được đưa vào vận hành vào cuối năm 2022, Kuwait đã trở thành ông trùm xuất khẩu dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (VLSFO) và dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao (HSFO), chủ yếu được sử dụng làm nhiên liệu trong vận tải biển .
Trong tổng lượng dầu nhiên liệu xuất khẩu được Kpler ước tính trong tháng này, 60% là VLSFO và 40% còn lại là HSFO.
Chìa khóa cho sự gia tăng xuất khẩu dầu nhiên liệu của Kuwait là Nhà máy lọc dầu Al-Zour mới, một trong những cơ sở chế biến dầu thô lớn nhất ở Trung Đông do Công ty Công nghiệp Dầu khí Tích hợp Kuwait (KIPIC) vận hành.
Nhà máy lọc dầu mà KIPIC cho biết đây là nhà máy lọc dầu cơ sở lớn nhất thế giới với công suất 615.000 thùng/ngày, bắt đầu tăng cường hoạt động vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa vào tháng 10 tới đây.
Vào tháng 11/2023, nhà máy lọc dầu đã phải tạm dừng một thời gian ngắn sau khi nguồn cung cấp nhiên liệu và khí đốt bị gián đoạn đột ngột và dự kiến sẽ hoạt động trở lại 10 ngày sau đó.
Nhà máy lọc dầu này có tính linh hoạt cao bởi được thiết kế để xử lý nhiều loại dầu thô khác nhau của Kuwait, bao gồm cả dầu thô nặng Kuwait (KHC). Nhà máy sẽ được vận hành theo chiến lược thượng nguồn của Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPC), công ty dầu nhà nước của một trong trong số những nước sản xuất dầu thô lớn nhất ở Trung Đông.
Đáng nói, Kuwait là thị trường cung cấp dầu thô chủ đạo cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu từ Kuwait hơn 9 triệu tấn dầu thô, trị giá hơn 5,58 tỷ USD, tăng 7% về lượng nhưng giảm mạnh 34% về trị giá so với năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 618 USD/tấn, giảm 17% so với năm 2022.
Trung bình trong năm 2023, Kuwait đã bơm 2,55 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, giảm mạnh so với năm 2022 do quốc gia này nằm trong số các thành viên của OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng bổ sung từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2023.
Trong năm tới, hạn ngạch khai thác của Kuwait là 2,676 triệu thùng/ngày, OPEC cho biết các quốc gia thành viên quyết định gia hạn các khoản cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2024, “nhằm đạt được và duy trì sự ổn định cho thị trường dầu mỏ, đồng thời đưa ra hướng đi dài hạn cho thị trường."
Theo Oilprice