Không cần đến smartphone, chỉ cần sử dụng điện thoại "cục gạch”, những nông dân ở vùng núi hay hải đảo vẫn có thể chuyển tiền từ một kênh thanh toán mới: Mobile Money.
Điện thoại thành ví tiền
Cất gần 100.000 đồng tiền lẻ từ việc bán đồng nát vào va li quần áo, bà Lò Thị Chiên (một người dân tộc ở Điện Biên) nhẩm tính: “Tháng này mình tiết kiệm thêm gần 500.000 đồng”.
Bà Chiên cùng chồng từ Điện Biên xuống Hà Nội làm thuê. Hai vợ chồng đang làm cho một công ty xây dựng, lương gần 8 triệu đồng mỗi người. Nếu làm thêm, vợ chồng bà có một khoản nữa để chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, lo thuốc men lúc ốm đau.
Cuộc sống ở đô thị thiếu thốn trong căn lều lụp xụp, lao động vất vả nhưng mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với trồng ngô. Ở quê, nhà bà Chiên còn mẹ già và 4 đứa con nhỏ. Ở xa, đi lại khó khăn, cùng với điều kiện không cho phép, vợ chồng bà cả năm mới về quê một lần dịp Tết.
Số tiền tạm ứng hàng tháng, bà dành chi tiêu hàng ngày cho hai vợ chồng. Còn tiền lương, công ty trả theo đợt 6 tháng/lần, bà để dành mang về quê xây sửa nhà, lo cho con cái ăn học. Mặc dù làm việc tại Hà Nội nhưng bà Chiên không có tài khoản ngân hàng và cũng không có điều kiện ra ngân hàng trong giờ hành chính để gửi tiền. Theo đúng nghĩa đen của câu "đồng tiền đi liền khúc ruột", họ luôn mang tiền theo người.
Sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến tại Việt Nam |
Những công việc đột xuất ở quê cần tới tiền, mẹ bà chủ động vay mượn người thân trong bản và chờ bà về trả nợ. “Nhà chỉ có mẹ già và con nhỏ nên muốn chuyển tiền về cũng không ai xuống huyện nhận được”, bà Chiên cho hay.
May mắn hơn bà Chiên, bà Đỗ Thị Vạn (Thanh Hoá) không phải bỏ quê lên phố mưu sinh. Trồng cây ăn quả, làm ruộng nên thu nhập chính của gia đình bà Vạn là bán nông sản. Con gái lớn của bà học đại học trên Hà Nội 2 năm nay. Hàng tháng, cô vẫn về quê xin tiền ăn học.
Cũng như bà Chiên, bà Vạn không có tài khoản ngân hàng. Thu nhập hàng tháng chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình và nuôi con ăn học. Dành dụm được ít tiền, bà cất trong tủ. “Con gái tôi bảo mẹ mở tài khoản ngân hàng để bắn tiền cho con, mà tôi thì mù mờ chả hiểu thế nào. Đi 5km ra tới huyện nhưng chẳng làm công to việc lớn gì mà phải mở tài khoản ngân hàng. Con lớn học trên Hà Nội, cần gấp tiền thì tôi gửi xe khách cho nhanh”, bà Vạn kể.
Khi được biết về Mobile Money, bà Chiên và bà Vạn đều bất ngờ với mô hình chuyển tiền mới này. Dù chưa hiểu kỹ về hoạt động của Mobile Money, nhưng họ đều rất hào hứng. “Nếu có người tới tận nơi nhận chuyển tiền qua điện thoại như vậy thì chúng tôi rất mừng. Đi làm xa có phải lúc nào cũng về nhà được đâu”, bà Lò Thị Chiên bày tỏ.
Còn bà Vạn chia sẻ: “Xóm tôi có một cô chuyên thu tiền điện thoại, bán sim thẻ, nếu có thêm dịch vụ chuyển tiền thì tiện quá. Không phải nhờ gửi xe khách nữa, đỡ mất công con phải nghỉ học ra tận bến xe để nhận”.
Sở hữu điện thoại di động nhưng không có tài khoản ngân hàng, hai người phụ nữ trên là khách hàng quan trọng của Mobile Money. Hiện, số người có điện thoại di động ở Việt Nam là 90% trong khi chỉ 50% số người ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Hơn 90% giao dịch giá trị nhỏ dưới 100.000 đồng hiện vẫn dùng tiền mặt. Đây chính là tương lai cho Mobile Money, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi ít sử dụng máy POS, ATM.
Ngay sau khi cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money, thuê bao di động của Việt Nam đã xác định danh tính có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.
Tăng tốc vòng quay đồng tiền cho nền kinh tế
Những tiện ích nhìn thấy trước tiên là Mobile Money giúp người dân thanh toán linh hoạt những sản phẩm dịch vụ tài chính, thanh toán tiền trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, an sinh xã hội,... với giá trị nhỏ. Có thể được nhận, lưu trữ, chi tiêu từ tài khoản trên điện thoại di động của bất cứ ai, ở bất cứ đâu có tín hiệu điện thoại di động mà không cần thông qua bất kỳ trung gian nào. Tại những vùng không có Internet, hoặc với người dùng điện thoại phổ thông, họ có thể sử dụng tài khoản Mobile Money của mình để thanh toán thông qua tin nhắn SMS.
Bà Nguyễn Thị Nga (một chủ tạp hoá ở Linh Đàm, Hà Nội), cho hay: “Với những người kinh doanh nhỏ như tôi, không có tài khoản ngân hàng, Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt còn khá phổ biến hiện nay”.
Mobile Money sẽ góp phần phổ cập tài chính toàn diện tới cho người dân thông qua việc cung cấp cho khách hàng một kênh thanh toán “lạ mà quen”, thuận tiện và an toàn. Theo bà Nga, ngày nào bà cũng phải chuẩn bị rất nhiều tiền lẻ để trả lại cho khách, còn tối lại phải lo đếm lại để cất vào tủ. Mặc dù bà đã triển khai thanh toán qua ví điện tử, nhưng chủ yếu là khách hàng trẻ và họ cũng ít khi sử dụng.
Mobile Money giúp người dân thêm kênh thanh toán mới |
Ở góc độ người dùng, ông Lê Thanh Hùng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng bên cạnh ví điện tử, tài khoản ngân hàng, sử dụng Mobile Money có nhiều lợi thế khi tạo ra hệ thống tài khoản đa cấp độ, góp phần thúc đẩy tín dụng toàn diện. “Đi đánh giày hay uống cà phê mà trả tiền được thì mỗi năm khỏi mất phí duy trì thẻ tín dụng. Ngày lễ Tết thì ra cửa hàng rút tiền mặt, đỡ phải vào ngân hàng hay cây ATM cho mệt”, ông nói. Theo ông Hùng, từ giao dịch tiền mặt chuyển sang giao dịch điện tử, vòng quay của đồng tiền rất nhanh, tạo hiệu quả kinh tế lớn.
Báo cáo về dịch vụ Mobile Money của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho thấy còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Việc phát triển các hình thức thanh toán mới, hiện đại, bao gồm cả Mobile Money phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ tại chiến lược phát triển tài chính toàn diện.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Kenya chỉ ra rằng các hộ gia đình nông thôn ở đất nước này sử dụng M-Pesa đã tăng thu nhập từ 5-30%. Bên cạnh đó, với sự sẵn có của nền tảng thanh toán di động đáng tin cậy, Kenya đã sản sinh ra một loạt doanh nghiệp mới có mô hình kinh doanh xây dựng trên cơ sở M-Pesa. |
Theo BSC, một trong những ưu điểm của Mobile Money là khi giải ngân qua dịch vụ này sẽ nhanh chóng hơn mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức thấp. Một ví dụ điển hình, tỷ lệ nợ xấu các khoản cho vay qua Mobile Money tại Kenya chỉ ở mức 2-3%.
BSC cũng cho hay, giá trị thanh toán qua Mobile Money thường là nhỏ và siêu nhỏ, nên việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một bộ phận lớn GDP đang giao dịch bằng tiền mặt. Ngoài ra, hệ thống thanh toán này cũng có thể hạn chế các rủi ro dùng tiền mặt như: mất cắp, tiền giả, đặc biệt tại những nơi an ninh không được đảm bảo.
Lộ trình tiếp cận
Ở góc độ người tiêu dùng, để Mobile Money thực sự hiệu quả cần có lộ trình, bà Lò Thị Chiên cho hay: “Như chúng tôi là người dân tộc ít tiếp xúc các kênh thanh toán hiện đại, tôi mong rằng sẽ được nhân viên tư vấn để có thể sử dụng hiệu quả. Nhà mạng cũng nên hỗ trợ người dân để họ sử dụng một cách thuận tiện nhất”.
Ông Lê Thanh Hùng kiến nghị, các đơn vị triển khai dịch vụ cần mở rộng nhiều điểm để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng. Theo ông Hùng, ví điện tử phát triển trước Mobile Money nhưng mỗi đơn vị một kiểu mã code khác nhau và chưa phổ biến ở các cửa hàng nên người tiêu dùng như ông cảm thấy không phù hợp nên ông đã gỡ bỏ một số ứng dụng ví điện tử sau khi hết khuyến mãi.
Để triển khai hiệu quả dịch vụ mới này, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo cần hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản khách hàng bằng cách quy định phải luôn có mã xác thực, mã PIN hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại. Giải pháp này nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch. Ngoài ra, người sử dụng cũng cần nâng cao ý thức và hành động để bảo mật, hiểu về quyền và thủ tục khiếu nại để giải quyết hiệu quả khi rủi ro xảy ra.
"Cần hoàn thiện công tác định danh khách hàng với các quy định về xác minh, định danh khách hàng; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã công dân. Các DN viễn thông nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh khách hàng, kiểm soát sim rác,... " - TS. Cấn Văn Lực góp ý.
Dù có nhiều ưu điểm, việc triển khai tiền di động tại Việt Nam được cho là vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Báo cáo của Viện Nghiên cứu BIDV đề cập, tài khoản tiền di động được định danh qua số thuê bao khách hàng tại công ty viễn thông, trong khi tình trạng sim rác vẫn tồn tại có thể khiến loại hình này trở thành kênh rửa tiền, nếu không được quản lý chặt chẽ.
Ngoài ra, với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý tiền di động cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an,... Các phương án quản lý và bảo mật cũng cần được xây dựng phù hợp, đề đối phó với tội phạm công nghệ thông tin hoặc các đối tượng khác.
Mặt khác, mạng lưới đại lý phát triển cũng tiềm ẩn rủi ro về trình độ nhận thức, phát sinh trường hợp thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng, thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền,... Việt Nam còn cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiền di động.
Duy Anh