Qua kiểm toán chọn mẫu 3 dự án BT để thực hiện xác định lại giá trị của hợp đồng BT cho thấy, giá trị sau kiểm toán là 1.727,3 tỷ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu (1.727,3 tỷ đồng/4.421,1 tỷ đồng).
Thông tin này được nêu tại báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2018 của cơ quan này, mới được gửi đến Quốc hội.
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2018 Kiểm toán Nhà nước thực hiện 232 cuộc kiểm toán, đến ngày 30/9 đã triển khai 211/232 cuộc, kết thúc 150 cuộc, xét duyệt 140 dự thảo báo cáo, phát hành 85 báo cáo kiểm toán. Dự kiến đến ngày 10/11/2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ kết thúc các cuộc kiểm toán và phát hành các báo cáo thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2018 trước 31/12/2018.
Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 140 báo cáo kiểm toán là 56.009 tỷ đồng (thu về ngân sách 8.385 tỷ đồng, giảm chi 17.555 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 30.069 tỷ đồng), kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 41 văn bản nhằm bịt chỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí.
Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.
Báo cáo cũng nêu một số kết quả nổi bật, như kiểm toán, đánh giá việc quản lý, sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017 đã kiến nghị xử lý tài chính 2.651,5 tỷ đồng.
Kiểm toán, đánh giá công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017 đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi về ngân sách 96,9 tỷ đồng và kiến nghị khác 1.257,3 tỷ đồng liên quan đến việc hoàn thuế.
Đáng chú ý là kết quả kiểm toán, đánh giá việc thực hiện một số hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đây Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 1.393 tỷ đồng, đồng thời chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập và sai sót qua thực hiện các hợp đồng BT.
Như, chỉ có 1/12 dự án trong giai đoạn 2013-2017 thực hiện đấu thầu, còn lại 11/12 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án.
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT thực hiện chưa có sự thống nhất; việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều thay đổi về quy hoạch chi tiết, giá đất không sát với giá thị trường, khu đất đối trừ được giao chỉ định trái Luật Đất đai... tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến lãng phí nguồn ngân sách nhà nước .
Qua kiểm toán chọn mẫu 3 dự án BT để thực hiện xác định lại giá trị của hợp đồng BT cho thấy, giá trị hợp đồng BT của 3 dự án sau kiểm toán là 1.727,3 tỷ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu (1.727,3 tỷ đồng/4.421,1 tỷ đồng).
Không chỉ ở Hà Nội mà tại Tp.HCM cũng có vấn đề liên quan đến đất đai. Cụ thể, qua kiểm toán, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển khu công nghệ cao của thành phố này, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ giá cho thuê đất trong khu công nghệ cao chưa áp dụng các phương pháp xác định giá đất theo quy định của Chính phủ. Một số trường hợp cho phép miễn tiền thuê đất không đúng quy định, xác định giá thuê đất thấp hơn bảng giá đất quy định của thành phố.
Ngoài ra, việc cấp phép đầu tư cho một số dự án vào khu công nghệ cao không đáp ứng tiêu chí về doanh nghiệp công nghệ cao; chấp thuận một số trường hợp thuê nhà xưởng, văn phòng trong khu công nghệ cao nhưng hoạt động trong lĩnh vực không thuộc lĩnh vực được đầu tư vào khu công nghệ cao.
Kiểm toán cũng phát hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước cho 3 dự án không đúng quy định của Chính phủ 38,5 tỷ đồng; giải ngân từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ phát triển thành phố cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư với tổng nợ gốc và lãi ngân sách nhà nước phải trả 1.591,9 tỷ đồng không đúng quy định tại nghị định số 99/2003/NĐ-CP.