Theo kế hoạch đầu tư đối với một số dự án sân bay trọng điểm của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giai đoạn 2018-2021, tầm nhìn 2025, thì ACV sẽ cần hơn 116.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành.
ACV dự báo, đến năm 2021, sản lượng hành khách thông qua các cảng do ACV quản lý, khai thác sẽ đạt khoảng 137 triệu khách với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2021 đạt 10%/năm. Dự báo đến năm 2025, sản lượng hành khách thông qua vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 185 triệu khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2022-2025 đạt 7%/năm.
Theo đó, ACV đã rà soát, lập kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm, giai đoạn 2018-2025. Trong đó, đối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sẽ đầu tư nâng cao năng lực khai thác để đáp ứng công suất 45 triệu hành khách/năm đến năm 2020.
Khách hàng làm thủ tục tại sân bay Nội Bài.
Dự kiến tổng mức đầu tư cần 12.672 tỷ đồng. Đối với sân bay quốc tế Nội Bài, sẽ đầu tư nâng cao năng lực khai thác, tổng mức đầu tư dự kiến là 11.197 tỷ đồng.
Đối với nhu cầu đầu tư vốn cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 đến năm 2025 cần khoảng khoảng 92.145 tỷ đồng, bao gồm nhà ga hành khách, khu bay, nhà ga hàng hóa. Theo ACV, ngoài việc bố trí đủ vốn để đầu tư, hoàn chỉnh các cảng hàng không hiện hữu đáp ứng tốc độ tăng trưởng và khả năng khai thác đến 2030 và lập báo cáo cơ sở cho cảng hàng không quốc tế Long Thành, nguồn vốn tích lũy ACV còn lại để bố trí cho dự án Long Thành khoảng 36.042 tỷ đồng (trong trường hợp ACV chia cổ tức tiền mặt dự kiến 9%/ năm).
ACV kiến nghị Bộ GTVT cho phép ACV điều chỉnh một số giá dịch vụ hàng không và giá nhượng quyền từ năm 2020 trở đi để bổ sung tích lũy nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, giao cho ACV làm chủ đầu tư xây dựng các hạng mục chính (Khu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, hệ thống tra nạp nhiên liệu, nhà để xe,...) của Dự án sân bay Long Thành.
Trước đó, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về phương án sử dụng vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT đề nghị cho phép ACV được xem xét bố trí vốn hơn 4.210 tỷ đồng.
Trong đó, việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Tân Sơn Nhất cần 1.910 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, tại Nội Bài cần 2.300 tỷ đồng cho 2 giai đoạn.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT hiện chỉ còn khoản vốn dự phòng 10% (gần 3.700 tỷ đồng) chưa phân bổ, phải dùng giải quyết các tồn đọng về vốn của bộ này.
Đặc biệt, ACV đã cổ phần hóa và có sự tham gia góp vốn của cổ đông tư nhân, vì vậy Nhà nước không thể giao cho ACV làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT căn cứ theo quy định của Chính phủ lựa chọn đơn vị phù hợp làm chủ đầu tư.
Tương tự, theo Bộ Tài chính, việc Bộ GTVT đề nghị cho phép ACV được sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài là chưa phù hợp với quy định về quản lý tài sản công và ngân sách Nhà nước, không có cơ sở để thực hiện.