Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt trên 4,7 tỷ USD; tăng 6,0% so với tháng 3/2021; tăng 47,1% so với tháng 02/2022.
Trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với quý I/2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8%; lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,4%; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%; chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD, giảm 22,4%.
Đáng chú ý, trong quý 1/2022, có 8 mặt hàng nông, lâm, thủy sản đột ngột tăng giá trị xuất khẩu cao hơn hẳn so cùng kỳ. Điều này có được là nhờ sức mua tăng mạnh từ các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê tăng tới 50,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 1,2 tỷ USD; cao su đạt khoảng 746 triệu USD, tăng 10,7%; gạo đạt 715 triệu USD, tăng 10,5%; hồ tiêu khoảng 252 triệu USD, tăng 40,8%; sắn và sản phẩm sắn đạt 420 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng mặt hàng cá tra, sau nhiều năm gặp khó thì kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng năm 2022 đã đạt 606 triệu USD, tăng tới 82% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 929 triệu USD, tăng 39,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 3,9 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ.
Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 27,1% thị phần. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Mỹ.
Sau Mỹ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch trên 2,1 tỷ USD, chiếm 16,6% thị phần; kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 29,0% tỷ trọng kim ngạch.
Bên cạnh đó, đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 872 triệu USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 562 triệu USD.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, Bộ đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng. Không chỉ vậy, Bộ còn liên tục cập nhật tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ trước tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, Bộ nhanh chóng đưa ra các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu.
Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc. Tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ còn chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc liên quan đến các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đồng thời, Bộ xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.