Ông Phạm Sỹ Nhật tại Tp.HCM mới đây đề nghị cơ quan chức năng cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi công trình cầu đi bộ Thủ Thiêm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ý tưởng của ông Nhật là làm cầu đi bộ nhiều tầng theo hình thức BOT, bên dưới là cầu đi bộ, các tầng bên trên cho thuê để hoàn vốn xây dựng. Toàn bộ số vốn xây dựng – vận hành công trình do Nhà đầu tư chi trả và sẽ thu lợi nhuận dựa trên việc kinh doanh không gian bên trên cầu trong thời gian hoàn vốn.
Ông Nhật cho biết, theo tính toán sơ bộ chi phí xây dựng là 98 triệu USD và hiện có một nhóm Nhà đầu tư quan tâm ý tưởng này, trong đó có một tập đoàn xây dựng Nhật Bản, có kinh nghiệm lâu năm làm các kết cấu phức tạp.
Ông Nhật đề nghị cơ quan chức năng cho phép ông được lập nghiên cứ tiền khả thi ý tưởng này để làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao đề xuất của ông Phạm Sỹ Nhật về việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu đi bộ Thủ Thiêm, kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án của ông Nhật đề xuất thuộc lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) nên sẽ được triển khai theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ông Nhật căn cứ Điều 22, 23 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP để đăng ký đề xuất thực hiện dự án bao gồm cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận và trình hồ sơ đề xuất dự án tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án xem xét, chấp thuận.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trong trường hợp này là UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ông liên hệ với UBND Thành phố để đăng ký đề xuất thực hiện dự án và trình hồ sơ đề xuất dự án theo quy định.
Trước đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức tuyển chọn và nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Trong phương án thiết kế, thành phố yêu cầu có thêm phương án tổ chức giao thông tại hai chân cầu; có nhiều phương án, giải pháp tiếp cận giao thông cho công trình, kết hợp giữa hệ thống giao thông hiện tại và hệ thống giao thông trong tương lai khi đường Tôn Đức Thắng và Công viên Bạch Đằng được xây dựng hoàn chỉnh.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có vị trí dự kiến gần Quảng trường Hồ Chí Minh (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2), đặc biệt gần cột cờ Tổ quốc tại quảng trường.
Đây là cầu đi bộ đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh vượt sông Sài Gòn, nối liền trung tâm quận 1 (đường Tôn Đức Thắng) với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).