Ngày 18/1, Sở GTVT Hà Nội và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Theo đó, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội.
Cụ thể, nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5km từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên).
Về quy mô, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,924km, trong đó cầu chính dài 1km, mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ... Tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
Cùng với đó là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43km gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất, 21 ga và hai khu depot. Tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội và cam kết triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Hiện, Vinaconex đảm nhiệm thi công gói thầu 09 tại Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; một số gói thầu quan trọng thuộc giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc - Nam...
Tại Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: "Xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh".
Hệ thống Đường sắt đô thị được coi là trục "xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông,...
Thời gian qua, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã, đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án ĐSĐT. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, "đột phá" nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng sự nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết: "Tàu Cát Linh - Hà Đông đã từng bước thay đổi thói quen của người Hà Nội sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng để đi làm".
Đến nay, tàu Cát Linh - Hà Đông đã từng bước làm thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông theo hướng văn minh, hiện đại.
Trước đây khi tiếp cận các ga để lên tàu, hành khách thường phản ứng, thậm chí là bức xúc vì không có chỗ để xe máy, xe đạp, nay thì nhiều hành khách chấp nhận bỏ xe cá nhân đi bộ với cự ly từ 1 đến 2 km để đến ga, lên tàu đi học, đi làm.
Ông Trường cho hay, Hanoi Metro nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung đã từng bước xây dựng được một đội ngũ những người quản lý vận hành đường sắt đô thị theo hướng chuyên nghiệp.