Khó đến mấy cũng phải giữ tháng lương 13 cho người lao động
Năm nay, dù nhiều người lao động TP.HCM sẵn sàng tâm thế không có thưởng Tết Nhâm Dần 2020, bởi dịch bệnh kéo dài với nhiều mất mát, khó khăn. Tuy nhiên, chuyện thưởng Tết vẫn là điều được mong đợi nhất dù ít dù nhiều, khi Tết đã cận kề. Với người lao động, thưởng Tết ngoài thêm khoản thu nhập để xoay sở cuối năm, chi tiêu dịp Tết, thì đó còn là món quà tinh thần, được ghi nhận sau cả năm làm việc.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết với ông, doanh nghiệp dù khó khăn đến đâu vẫn phải cố gắng có thưởng Tết cho người lao động, đây là món quà tinh thần, động lực giữ chân nhân viên. Năm nay, Vinamit bị ảnh hưởng dịch ngay từ tháng 6, các cửa hàng bán trực tiếp đóng cửa hoàn toàn, bán online mới mở lại hồi tháng 10, nên doanh thu giảm mạnh.
Tuy nhiên, "những gì thuộc quyền lợi đã ký với người lao động thì doanh nghiệp sẽ đảm bảo thực hiện đầy đủ. Tất cả nhân viên sẽ được nhận lương tháng 13. Riêng thưởng Tết thì sẽ tùy vào từng vị trí, thâm niên", ông Lâm Viên cho biết.
Nhà sáng lập Vinamit cho biết thêm năm nay, để cố gắng đảm bảo thưởng Tết cho người lao động trong điều kiện khó khăn, nhóm quản lý của doanh nghiệp đã tình nguyện giảm thưởng, thậm chí giảm thu nhập. Để làm được việc này, ngay từ đầu quý III, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã có chủ trương và được thống nhất.
"Hầu hết nhóm quản lý giảm thu nhập là hưởng lương theo doanh số. Doanh số cao thì họ cũng được thu nhập cao. Còn nhân viên lương thấp, cố định, nên nếu giảm thì sẽ rất khó khăn. Do vậy, cấp quản lý của chúng tôi đồng lòng để chia sẻ với người lao động", ông Lâm Viên nói thêm.
Chủ tịch Vinamit thông tin thêm theo ông tìm hiểu, hầu hết nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu tại TP.HCM đều đảm bảo có thưởng Tết cho người lao động. Trong đó, tháng lương thứ 13, nếu doanh nghiệp đã cam kết với người lao động thì tất nhiên phải có, không thể nói khó khăn mà không thực hiện.
Tháng lương thứ 13 được nhiều doanh nghiệp coi như một sự cam kết với người lao động, và hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết thưởng dù Tết Nhâm Dần rất khó khăn.
Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cũng cho biết năm nay dù rất khó khăn, chi phí sản xuất đội lên nhiều do thời gian sản xuất "3 tại chỗ" kéo dài, nguyên vật liệu tăng, nhưng công ty vẫn giữ nguyên thưởng Tết 2 tháng lương cho công nhân, cùng nhiều phần quà hỗ trợ khác.
Tại Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc doanh nghiệp, chia sẻ suốt 4 tháng đối phó với dịch bệnh, người lao động của doanh nghiệp đã phải vượt nhiều khó khăn để giữ vững sản xuất, đảm bảo cung ứng cho thị trường giữa dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa. Công ty đã đạt doanh số rất tốt nhưng lợi nhuận lại rất thếp, vì chi phí sản xuất và phòng dịch quá cao.
Tuy nhiên, thưởng Tết Nhâm Dần không chỉ là truyền thống, mà còn là cách doanh nghiệp cảm ơn người lao động. Vĩnh Thành Đạt đảm bảo thưởng tháng lương thứ 13 cho toàn bộ nhân viên. Với bộ phận hoàn kế hoạch tố thì mức thưởng sẽ tăng thêm 2-3 tháng lương.
C.P Việt Nam cũng khẳng định giữ nguyên mức thưởng tối thiểu là tháng lương thứ 13. Ngoài ra còn khích lệ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (có trụ sở tại Gò Vấp), cũng cho biết công ty cố gắng vun vén để người lao động có thêm khoản thưởng cuối năm. Bởi trải qua suốt nhiều tháng chống dịch, người lao động nào cũng chật vật, thiếu thốn. Công ty sẽ cố gắng thưởng tháng lương thứ 13 khoảng 8 triệu đồng/tháng, cho công nhân. Ngoài ra, mỗi công nhân dự kiến được thưởng 1 phần quà là gói thực phẩm của công ty sản xuất.
Trong khi đó tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP.Thủ Đức), nơi từng ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong tháng 7,8, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn, cho biết công ty vẫn đang tính toán lại, để có thể chăm lo tốt nhất cho người lao động hơn. Theo kế hoạch đang xem xét, mức thưởng Tết năm nay vẫn từ tối thiểu 1 tháng lương.
Ngoài ra, công đoàn sẽ có 2 phần quà trị giá khoảng 1 triệu đồng tặng công nhân. Riêng hoạt động thường niên như tổ chức chuyến xe đưa công nhân về quê có thể không thực hiện, vì còn phụ thuộc tình hình dịch bệnh.
Phần lớn doanh nghiệp sẽ chỉ thưởng ở mức 50-70% so với mọi năm
Lao động nhóm ngành bán lẻ, sản xuất thực phẩm, tiêu dùng kỳ vọng sẽ có mức thưởng tốt hơn các ngành khác trong mùa Tết Nguyên đán 2022.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, đến nay, đã có một số doanh nghiệp báo cáo về thưởng Tết, với mức 1 tháng lương. Tuy nhiên nhìn chung, phần lớn doanh nghiệp sẽ chỉ thưởng ở mức 50-70% so với mọi năm. Ông Tuấn cho biết công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM sẽ cố gắng thương lượng cùng doanh nghiệp, để có phần thưởng Tết động viên người lao động.
Theo Sở Lao động Thương Binh và Xã hội TP.HCM, tới nay vẫn nhiều doanh nghiệp chưa báo cáo về mức thưởng Tết 2022.
Sở đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp, đề nghị báo cáo tình hình lao động, quan tâm thực hiện tốt việc trả lương năm 2021 và thưởng Tết Nhâm Dần (cả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán). Các thông về kế hoạch trả lương, trả thưởng Tết sẽ được báo cáo trước ngày 25/12.
Cụ thể, các nội dung báo cáo gồm tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết (tặng quà, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê...), thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, thưởng.
Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, trả thưởng đề ra, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng, dẫn đến tranh chấp.