Mục đích của lệnh cấm tạm thời này là giúp thành phố Plattsburgh có thêm thời gian tìm hiểu liệu nên làm gì với các đối tượng hoạt động đào tiền mã hoá - khi mà số cá nhân và tổ chức này đang "ăn" hết lượng điện tiêu dự trữ của cả thành phố.
Tại sao lại như vậy?
Như chúng ta đã biết, hầu hết các loại tiền mã hoá đòi hỏi phải trải qua một quá trình gọi là "đào", trong đó các máy chủ sẽ phải tìm ra các thuật toán để giải quyết một phương trình toán học phức tạp; máy tính có câu trả lời sớm nhất sẽ được thưởng một đơn vị tiền mã hoá tương tứng.
Tất nhiên, để hưởng được quả ngọt, các thợ đào tiền mã hoá phải đánh đổi bằng một hoá đơn tiền điện cực khủng bởi hệ thống này tiêu thụ rất nhiều điện năng, và mỗi thợ đào không chỉ sử dụng một "trâu cày" duy nhất mà là cả một mạng lưới máy đào lớn.
Do đó, để giảm bớt chi phí điện năng, các thợ đào thường "đóng đô" tại các thành phố có mức giá điện rẻ, và đây là lúc vấn đề nảy sinh.
Tại cuộc họp gần đây nhất, Hội đồng thành phố Plattsburgh (New York, Mỹ) đã bàn luận về vấn đề này và quyết định không cho phép mở thêm bất kỳ hoạt động đào tiền mã hoá mới này trong vòng 18 tháng tới. Các hoạt động đào hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Theo Thị trưởng thành phố, ông Colin Read, thì Plattsburgh là thành phố có "giá điện rẻ nhất trên thế giới" nhờ vị trí gần kề một con đập thuỷ điện. Mức giá điện trung bình tại Mỹ là hơn 10 cents/Kwh, trong khi ở Plattsburgh chỉ 4.5 cents/Kwh. Không những vậy, thành phố này còn "chơi đẹp" khi áp dụng mức giá điện còn rẻ hơn, chỉ 2 cents/Kwh, dành cho các hoạt động công nghiệp. Điều này đã thu hút rất nhiều thợ đào tiền mã hoá đến Plattsburgh.
Được biết, thành phố Plattsburgh được cấp tối đa 104 Mwh điện năng mỗi tháng, và nếu sử dụng vượt quá mức này, họ sẽ phải mua thêm với mức giá cao hơn đáng kể. Hồi tháng 1, Plattsburgh sử dụng quá nhiều điện đến nỗi hoá đơn tiền điện của mọi người trong thị trấn đều tăng lên, một số trường hợp tăng thêm từ 100-200 USD. Đây không phải là chuyện lạ vào các tháng mùa đông, nhưng Uỷ ban Dịch vụ công (PSC) của Bang lại kết luận rằng trung bình, mỗi người dân ở Plattsburgh phải trả thêm 10 USD hoá đơn điện trong tháng 1 chỉ vì 2 công ty tiền mã hoá. Công ty lớn nhất là Coinmint đã sử dụng khoảng 10% điện năng của thành phố trong tháng 1 và 2.
Hiện các nhà làm luật địa phương đang lên kế hoạch làm việc với các chủ thể đã và đang thực hiện các hoạt động đào tiền mã hoá, và sử dụng lệnh cấm này để "câu giờ" trong khi đưa ra một giải pháp mới mang tính vĩnh viễn. Hôm thứ 5 vừa qua, PSC đã cho phép chính quyền các thị trấn thuộc Bang được đặt ra các loại thuế quan dành riêng cho giới đào tiền mã hoá.
Vụ việc này đã làm dấy lên một câu hỏi lớn hơn về giá trị kinh tế của Bitcoin . Khi một thị trấn hạ giá tiền điện để khuyến khích đầu tư công nghiệp, và giới thợ đào nhanh tay tận dụng toàn bộ số điện ưu đãi này thì thành phố sẽ được lợi gì? Lấy Coinmint làm ví dụ: đây là một công ty quốc tịch Puerte Rico, và bản thân hoạt động đào tiền mã hoá của họ cũng chẳng tạo thêm được nhiều việc làm mới. Tom Hilsworth, một công dân thành phố lo sợ rằng Plattsburgh sẽ bị tụt lại đằng sau trong cơn bùng nổ blockchain nếu họ không tỏ ra thân thiện với các hoạt động đào tiền mã hoá. Nhưng blockchain cũng không thực sự tạo ra được sản phẩm nào. Và với việc các đồng tiền mã hoá đang trượt dốc không phanh, mọi chuyện sẽ càng bất lợi hơn đối với giới đào mỏ.
Tham khảo: Gizmodo