Từng là nhà cung cấp bê tông cho các biểu tượng về cơ sở hạ tầng như cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, Phú Mỹ, đại lộ Võ Văn Kiệt, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, Beton 6 đang chờ được phá sản dưới áp lực của chủ nợ.
Phá sản vì mất thanh khoản
Trong biên bản họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 được công bố mới đây, Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Beton 6 cho biết tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản, do công ty rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Beton 6 là công ty thành lập từ năm 1958, giữ thị phần lớn trong ngành hẹp cung cấp sản phẩm bê tông nhưng kinh doanh bết bát trong vòng 1 thập niên trở lại đây. |
Trên thực tế, thông tin Beton 6 nộp đơn phá sản đã rộ lên từ nhiều tháng trước đây, khi có nhiều lao động từng làm việc tại trụ sở công ty để đòi quyền lợi.
Mới đây là Vietinbank cũng rao bán khoản nợ tại Beton 6, với dư nợ gốc 188 tỉ đồng, lãi 47,4 tỉ đồng và lãi quá hạn 21 tỉ đồng. Ngoài ra còn nhiều ngân hàng khác có dư nợ tại Beton 6 như Vietcombank (khoảng 64 tỉ đồng), eximbank (63 tỉ đồng) hay Ngân hàng Quốc dân (30 tỉ đồng).
Vào cuối năm 2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng đã thông báo chào mời các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia xử lý các khoản nợ của Beton 6.
Không chỉ có sức ép từ nhà băng, các chủ nợ, nhà cung cấp và đối tác cũng gây áp lực đòi nợ khiến ban lãnh đạo phải nộp đơn xin phá sản. Theo giải trình của công ty, các dự án của công ty đang thực hiện bị trì hoãn, thậm chí hủy bỏ, trong khi ngân hàng đồng loạt giảm hạn mức tín dụng nên Beton 6 không đủ khả năng thanh toán. Trong khi đó, để tiếp tục thực hiện các hợp đồng mới thì đối tác cũng yêu cầu trả tiền trước.
Trên báo cáo tài chính năm 2019, kiểm toán cũng nhấn mạnh Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã mở thủ tục phá sản với Beton 6 từ đầu tháng 1-2020. Tuy nhiên, Beton 6 vẫn chưa thực hiện đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả theo quy định và chưa thực hiện lập báo cáo theo nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính, nên kiểm toán không thể đánh giá được giá trị của tài sản và nợ.
Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán do không thể xác định được công nợ của Beton 6. Theo báo cáo, doanh thu năm ngoái đạt gần 60 tỉ đồng, còn lỗ ròng gần 82 tỉ đồng.
Còn trên báo cáo tài chính năm 2018, kiểm toán từng đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Beton 6 với khoản lỗ lũy kế gần 343 tỉ đồng, và nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là hơn 312 tỉ đồng.
Trên thực tế, việc công ty có vốn chủ sở hữu đã bị âm đệ đơn xin phá sản đã được dự liệu từ trước. Trong nhiều năm qua, cổ phiếu BT6 của Beton 6 đã bị hạn chế giao dịch, hiện giá cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM chỉ có giá 800 đồng/cổ phiếu.
Một thập niên đi lùi
Thành lập từ năm 1958, Beton 6 là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường, gần như chiếm lĩnh thị trường này ở trước giai đoạn cổ phần hóa (năm 2000).
Tuy nhiên, thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn khiến Beton 6 bắt đầu đi xuống từ giai đoạn năm 2008. Đặc biệt từ năm 2010, tình hình ngày càng trầm trọng hơn dù nhóm cổ đông mới đã nhiều động thái tái cấu trúc.
Vào năm 2008, nhóm nhà đầu tư chiến lược HB Group đã nhảy vào Beton 6, thực thi nhiều kế hoạch cải tổ, bao gồm mở rộng sang lĩnh vực xây lắp, nhưng không thành công. Từ đó đến nay, Beton 6 liên tục thay đổi nhân sự điều hành cấp cao, nhưng kết quả thì ngày càng đi xuống.
Trong đại hội cổ đông thường niên mới đây, HĐQT thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Sergei Savrukhin (quốc tịch Nga) kể từ ngày 6-8 theo nguyện vọng cá nhân, thay thế vị trí này là ông Nguyễn Quang Minh.
HB Group là cái tên gắn liền với doanh nhân Trịnh Thanh Huy, doanh nhân trong nhóm trở về từ Đông Âu, cùng thời với các “đại gia” khác như ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) hay ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup). Theo báo cáo mới nhất thì ông Huy hiện là thành viên HĐQT, nhưng không điều hành của Beton 6. Tỷ lệ sở hữu của ông Huy và người thân tại Beton 6 là 6,69%, theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2020.
Ông Huy từng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Bình Thiên An (BTA), cái tên gắn liền với dự án Đảo Kim Cương của Kusto Group, đơn vị có nhiều khoản đầu tư lớn vào các doanh nghiệp đầu ngành như Coteccons hay Gemadept.
Trước Beton 6, một doanh nghiệp khác mà ông Huy cũng có tham gia HĐQT là Công ty cổ phần Xây dựng Công Nghiệp (Descon) cũng đã mở thủ tục phá sản.
(Theo TBKTSG Online)