Năm 2021, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc ở mức cao nhất trong 11 năm khi xuất khẩu bùng nổ, theo trang CAN. Ngày 25/1/2022, Chính phủ Hàn Quốc công bố GDP năm 2021 tăng 4%, đạt 2,2 nghìn tỷ USD so với năm 2020 do nhu cầu xuất khẩu tăng vọt.
Theo tổ chức phân tích kinh tế Hana Financial Investment, nền kinh tế Hàn Quốc được thúc đẩy từ xuất khẩu và đầu tư trong những tháng cuối năm 2021 Bên cạnh nhu cầu toàn cầu đối với hàng sản xuất tại Hàn Quốc tăng mạnh, các chuyên gia nhận định sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong năm nay. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng sẽ được cải thiện nhờ chi tiêu chính phủ được mở rộng để duy trì tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, ngày 20/1/2022, trang Xinhua News Agency cho biết, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế đạt 8% vào năm 2021, lên đến 12,4 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,95 nghìn tỷ USD.
Quảng Châu là một tỉnh sản xuất nằm ở phía Nam và là nền kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2021, Quảng Đông nằm trong top 10 nền kinh tế hàng đầu toàn cầu. Theo trang Global Times, tỉnh Quảng Đông đã đạt được dấu mốc mới, trở thành nền kinh tế cấp tỉnh đầu tiên của Trung Quốc đạt mốc 12 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Bất chấp nhiều thách thức trong năm 2021, Quảng Đông đã hoạt động tốt trong lĩnh vực thương mại, góp phần tạo sự bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Hoạt động thương mại vượt 8 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, tăng 16,7% so với năm trước, theo Global Times.
Do sức ép lớn đến từ các đợt bùng dịch Covid-19, thị trường bất động sản suy thoái, các cú sốc về nguồn cung làm tăng giá nguyên liệu thô và căng thẳng với các quốc gia phương Tây, các quan chức địa phương đang đặt mục tiêu tăng trưởng cho Quảng Đông thấp hơn so với năm 2021, khoảng 5,5% cho năm 2022.
Ngoài ra, Global Times cho biết thêm, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Quảng Đông không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Nền công nghiệp ngày càng được tối ưu hóa đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó, Quảng Đông (Trung Quốc) đang tìm cách nâng cấp các ngành công nghiệp của mình trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước Đông Nam Á. Do đối mặt với các hạn chế ngày càng tăng từ Hoa Kỳ trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy thị phần lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, Trung Quốc nói chung và Quảng Đông nói riêng đang rất nỗ lực để tạo ra sự bùng nổ công nghệ mới trong tương lai.
Trên thực tế, Quảng Đông (Trung Quốc) là đối tác thương mại quan trọng và tiềm năng của Việt Nam. Thời gian qua, thương mại hai chiều Việt Nam – Quảng Đông chiếm 20-21% trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam – Trung Quốc. Năm 2020, thương mại song phương Việt Nam – Quảng Đông đạt 41 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 21 tỷ USD, nhập khẩu 19 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Quảng Đông là linh kiện điện tử, điện thoại di động chiếm giá trị lớn nhất, sau đó đến thủy sản, trái cây và gạo. Trong cơ cấu sản phẩm của Việt Nam với Quảng Đông, mặt hàng thiết bị và linh kiện điện tử chiếm 78-80% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Quảng Đông.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê sang Quảng Đông lên đến trên 450 nghìn USD. Đặc biệt, các loại gia vị thực phẩm như hạt tiêu, ớt lên đến 1,4 triệu USD và thực phẩm chế biến hơn 60 triệu USD.