Sâu đầu đen gây hại cho cây dừa ở Bến Tre và nhiều tỉnh miền Tây. Ảnh: MT
Mới đây, tỉnh Bến Tre đã thả 522 triệu con ong ký sinh nhằm ứng phó với tình trạng sâu đầu đen hại dừa đang hoành hành ở các tỉnh miền Tây trong thời gian qua.
Cụ thể, ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết ngành chức năng đang tiến hành triển khai giải pháp sinh học để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Trong đó, ngành chức năng tập trung nhân nuôi, thả ong ký sinh Habrobracon hebetor và Trichospilus pupivorus để quản lý sâu đầu đen.
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp cùng với các huyện đã tiến hành thả hơn 150 triệu ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa.
Bên cạnh đó, các tổ trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện cũng phối hợp với UBND các xã trên địa bàn của tỉnh Bến Tre nhằm tăng cường rà soát lại diện tích nhiễm phát sinh (kể từ thời điểm nắng nóng) để sớm phát hiện phòng trị, đồng thời không để lây lan thành ổ dịch lớn khó kiểm soát.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, vào thời điểm nắng nóng, sâu đầu đen có môi trường thuận lợi để phát triển. Đây cũng là thời điểm gây bất lợi để nhân nuôi phóng thích ong ký sinh và gây phát sinh những diện tích bị nhiễm sâu đầu đen.
Hiện tại, do đang vào mùa mưa nên tạo điều kiện tốt để tiến hành nhân nuôi ong ký sinh. Vì vậy, ngành chức năng các địa phương tổ chức nhân nuôi và thả ong ký sinh để làm tăng mật độ ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen gây hại. Theo các chuyên gia, sau khi được thả ra môi trường tự nhiên, ong ký sinh sẽ ký sinh ở trên sâu đầu đen, sau đó tấn công chúng ngay cả trong giai đoạn nhộng, sâu non, từ đó giúp ngăn chặn sự lan rộng của loài sâu gây hại dừa.
Bên cạnh việc thả ong ký sinh ra môi trường tự nhiên, theo ông Võ Văn Nam, người dân cần phải tuân thủ đúng các biện pháp về quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa. Theo đó, người dân cần thường xuyên thăm vườn, chủ động cắt tỉa lá, tàu lá chết bị sâu gây hại trên cây dừa…
Khi phát hiện vườn dừa bị hại nặng, người dân cần cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá bị sâu hại trước khi thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật . Sau khi phun thuốc từ 2 tuần trở nên, người dân nên phóng thích ong ký sinh.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, hiện tại, tổng diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen là hơn 600ha. Sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học, lũy kế diện tích phục hồi là hơn 2.200ha.
Sâu đầu đen có tên khoa học Opisina arenosella Walker. Loài sâu này có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Trên thế giới, sâu đầu đen đã được ghi nhận tại 16 nước như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… Vì độ tuổi sâu non lên đến 40 ngày so với 10 - 30 ngày ở các loài gây hại khác, nên khi sâu đầu đen ở chỗ nào chúng sẽ ăn hết chỗ đó, làm cây chết hàng loạt.
Theo thống kê từ Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, trong 9 tháng qua, xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt 920,4 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, mặt hàng dừa được coi là một trong những sản phẩm có sự tăng trưởng đáng chú ý.
Trao đổi với báo chí, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Dừa Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm được làm từ dừa trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tại, quả dừa của Việt Nam đang xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… là những thị trường chủ đạo.
Theo số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ dừa hàng năm của Trung Quốc rất lớn, ước đạt hơn 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi và còn lại phục vụ chế biến.
Vì vậy, với việc ký kết Nghị định thư cho phép dừa xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 250 triệu USD, chiếm tỷ trọng là 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa.
Theo các chuyên gia nhận định, việc ký Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc này còn tạo động lực phát triển cho nhiều địa phương chủ lực về dừa.
Thế nhưng, theo Cục Bảo vệ thực vật, để dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ về quy định cũng như tiêu chuẩn có liên quan đến vấn đề an toàn và vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là không bị nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha trồng dừa, với sản lượng khoảng hơn 2 triệu tấn, giá trị đứng thứ 4 trên thế giới. Trên thực tế, trong 2 ngày 11 - 12/9/2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra 24 vùng trồng dừa và 12 cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam trước khi tiến hành cấp mã số cho những cơ sở này xuất khẩu dừa tươi sang thị trường tỷ dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt mục tiêu phấn đấu có khoảng 80% mã số được phê duyệt trở lên.
Bài tham khảo nguồn: Mard, Moit, Vinafruit, GACC