Theo báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây, tính đến ngày 20/02/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ cho biết, tổng vốn đầu tư đăng ký giảm do vốn điều chỉnh giảm mạnh. Trong khi đó, vốn đầu tư mới và GVMCP vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, có 261 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) (tăng 42,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD (tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ).
Lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư là 133 dự án, giảm 6,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD, giảm 85,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, số lượt dự án góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 440 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Liên quan đến địa bàn đầu tư, tính đến 20/2/2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 824,3 triệu USD, chiếm hơn 26,6% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2022; Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 103 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 369,1 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước. Đứng thứ 3 là Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 342,06 triệu USD.
Top 10 tỉnh, thành thu hút FDI cao nhất cả nước trong 2 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Bộ KH-ĐT
Đáng chú ý, nếu trong tháng 1/2023, Quảng Ninh chỉ xếp thứ 13/53 về thu hút FDI, thì sang đến tháng 2/2023, địa phương này đã nhảy 9 bậc, vượt qua Bắc Ninh và Đồng Nai để lọt top 5 tỉnh, thành thu hút FDI cao nhất cả nước trong 2 tháng đầu năm. Lý do bởi, trong vòng một tháng, địa phương này đã có thêm 2 dự án đăng ký mới, nâng tổng số vốn cấp mới từ 12,84 triệu USD trong tháng 1/2023 lên 331,84 triệu USD trong tháng 2/2023. Từ đó, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt khoảng 332,2 triệu USD tính đến 20/2/2023.
Nếu xét về số dự án, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (21,8%) và GVMCP (69,3%).
Xét theo lĩnh vực đầu tư, báo cáo cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 202,1 triệu USD và gần 141,9 triệu USD.
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm gần 30%) và điều chỉnh vốn (chiếm 63,9%).
Tính tới ngày 20/02/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 11,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2023.