Nhờ đăng tin trên báo, rao bán qua email, zalo, kết nối qua sàn,... đến các đơn vị thu mua, mỗi ngày Tổ Công tác 970 giúp nông dân, HTX bán hàng trăm tấn nông sản; có ngày chốt được những đơn hàng cả ngàn tấn thuỷ sản.
Báo cáo mới nhất của Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến 8/8, có 1.144 đầu mối đăng ký mua bán nông sản qua “sàn thương mại” của đơn vị này. Trong đó chủ yếu là các đầu mối đăng ký tiêu thụ nông sản như rau củ, trái cây, lương thực, thuỷ hải sản, sản phẩm chăn nuôi,...
Phần lớn các đầu mối đăng ký tiêu thụ nông sản đều là các HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ.
Theo Tổ Công tác 970, việc ứng dụng công nghệ số (sử dụng trang website kết nối cung cầu, hướng dẫn người dân sử dụng zalo và website) vào kết nối cung cầu mang lại hiệu quả thiết thực. Số liệu báo cáo nhờ đó nhanh, chính xác, phân tích và dự báo được xu hướng cung cầu hàng hóa. Người mua và người bán tiếp cận thông tin đầy đủ từ tên hàng, sản lượng, tên người liên hệ, số điện thoại liên lạc,... nên việc mua bán diễn ra thuận lợi.
Hai đơn hàng thuỷ sản 2.400 tấn được Tổ Công tác kết nối thành công (ảnh minh hoạ) |
Hàng ngày, Tổ Công tác đăng tin trên báo, gửi danh sách gửi danh sách đầu mối cấp cung cấp hàng đến email, tin nhắn zalo tới đơn vị mua hàng là hệ thống siêu thị, các cửa hàng, tiểu thương các chợ đầu mối. Nhờ đó, mỗi ngày kết nối thành công hàng trăm tấn nông sản và hàng hóa.
Đơn vị này cũng kết nối tiêu thụ được hai đơn hàng lớn của hai công ty có vốn liên doanh với nước ngoài, với 2.400 tấn thủy hải sản được tiêu thụ thành công tại 11 tỉnh trong vùng thực hiện Chỉ thị 16.
“Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy hải sản thông qua trang 'sàn giao dịch' kết nối cung cầu để nhờ Tổ Công tác kết nối xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao để xuất khẩu trong tương lai”, đơn vị này cho biết.
Theo nhận định, thị trường nông sản sẽ khởi sắc trong những ngày tới. Nhu cầu nông sản tại thị trường nội địa sẽ tăng trở lại khi Chính phủ, các Bộ, ngành và nhất là chính quyền các địa phương phía Nam rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Về xuất khẩu, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các sản phẩm đông lạnh xuất khẩu dự đoán sẽ tăng nhu cầu vào tháng 9/2021-1/2022 do các nước bắt đầu mùa đông từ 20/9 hàng năm đến giữa tháng 3 năm sau (các sản phẩm nhiệt đới ở các quốc gia họ không thể sản xuất vì có sản xuất được cũng chi phí cao hơn nhập khẩu). Do đó, các nước sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu từ các nước nhiệt đới như Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều quốc gia sẽ tăng mua hàng từ nay đến cuối tháng 10/2021 để trữ hàng bán vào dịp năm mới 2022 và các lễ hội cuối năm. Chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài đang săn tìm hợp đồng dài hạn để ký giá cố định cho mùa hè năm sau (tháng 6/2022).
T.An