Một trong những quốc gia giàu có nhất vùng Vịnh sắp cạn kiệt tiền mặt

03/09/2020 19:08
Quá chậm chạp trong việc điều chỉnh thói quen chi tiêu trong thời nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm mạnh, các quốc gia vùng Vịnh đang lần lượt phải đối mặt với sự thực nghiệt ngã.

Năm 2016, khi Bộ trưởng Tài chính của Kuwait lúc đó là Anas Al-Saleh cảnh báo rằng đã đến lúc nước này phải cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị cho cuộc sống hậu dầu mỏ, ông đã bị chế nhạo bởi những người dân vốn được nuôi sống bởi nguồn petrodollar dường như là vô tận. 4 năm sau, lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực. Kuwait – một trong những nước giàu nhất thế giới - đang phải vật lộn chỉ để sống qua ngày. Giá năng lượng lao dốc làm dấy lên những câu hỏi sâu sắc về mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia vùng Vịnh.

Ông Al-Saleh đã rời ghế Bộ trưởng Tài chính và trải qua nhiều vị trí khác nhau trong chính phủ. Tháng 1 vừa qua, người kế nhiệm ông là bà Mariam Al-Aqeel vừa ra đi chỉ 2 tuần sau khi bà đề xuất tái cấu trúc hệ thống lương của khu vực công – gánh nặng lớn nhất đối với ngân sách quốc gia. Và đến tháng trước, người thay thế bà, ông Barak Al-Sheetan, cảnh báo đến hết tháng 10 Kuwait sẽ không có đủ tiền mặt để trả lương cho các cán bộ công chức nhà nước.

Quá chậm chạp trong việc điều chỉnh thói quen chi tiêu trong thời nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm mạnh, các quốc gia vùng Vịnh đang lần lượt phải đối mặt với sự thực nghiệt ngã. Điều này cũng châm ngòi cho 1 cuộc tranh luận về tương lai của nhóm nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn "mua chuộc dân chúng" bằng ngân sách hào phóng.

"Sẽ có 1 ngày chúng ta thức dậy và nhận ra rằng tất cả tiền tiết kiệm đã biến mất, không phải bởi vì chúng ta không thường xuyên kiểm tra tài khoản mà bởi vì chúng ta nhìn vào đó và nghĩ rằng chắc ngân hàng lỗi, rồi sau đó đi mua chiếc đồng hồ Rolex mẫu mới nhất", Fawaz Al-Sirri, giám đốc công ty tài chính Bensirri ví von.

Mặc dù nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã hành động để cứu vãn giá dầu khỏi cú giảm giá lịch sử hồi đầu năm, mức giá 40 USD/thùng vẫn là quá thấp. Đại dịch Covid-19 cùng với xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo đe dọa sẽ khiến giá tiếp tục giảm.

Saudi Arabia đã có những chính sách cắt giảm phúc lợi xã hội và áp thuế nhiều hơn. Bahrain và Oman – vốn có tiềm lực tài chính yếu hơn – thì đi vay mượn và tìm kiếm sự trợ giúp từ những láng giềng giàu có. Trong khi đó UAE đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế với tham vọng biến Dubai thành 1 trung tâm logistic và tài chính.

Tuy nhiên, Kuwait đang bị mắc kẹt trong 1 cuộc tranh luận chính trị. Các nhà làm luật đã "đóng băng" kế hoạch tái phân bổ ngân sách và chặn đứng những đề xuất về phát hành nợ. Kết quả là chính phủ gần như đã cạn kiệt các tài sản có thanh khoản cao, dẫn đến không thể bù đắp thâm hụt ngân sách được dự đoán sẽ lên đến 46 tỷ USD trong năm nay.

Trong những năm 1970 Kuwait từng nằm trong nhóm những nền kinh tế năng động nhất của vùng Vịnh với 1 quốc hội có tiếng nói, môi trường kinh doanh tốt và lao động tay nghề cao. Tuy nhiên, cú sụp đổ của TTCK phi chính thức năm 1982 đã khiến kinh tế Kuwait chao đảo đúng lúc khu vực bất ổn vì cuộc chiến tranh kéo dài gần 1 thập kỷ giữa Iran và Iraq. Sau đó Kuwait chi tiêu mạnh tay để kiến thiết đất nước sau khi vụ ám sát Saddam Hussein dẫn đến chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Phải mất vài năm sau đó kinh tế mới thực sự hồi phục.

Hiện 90% nguồn thu của Kuwait vẫn phụ thuộc vào hydrocarbon. 80% người lao động làm việc trong khu vực nhà nước với mức thu nhập vượt trội so với khu vực tư nhân. Trung bình các phúc lợi xã hội (gồm nhà ở, xăng xe và thực phẩm) mà 1 gia đình được hưởng có thể lên đến 2.000 USD mỗi tháng. Tiền lương và trợ cấp chiếm 75% chi ngân sách, trong khi ngân sách đang hướng đến năm thâm hụt thứ 7 liên tiếp kể từ cú lao dốc của giá dầu năm 2014.

Tuy nhiên Kuwait vẫn còn tiền, thậm chí là rất nhiều tiền đang được giữ trong quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 4 thế giới (trị giá khoảng 550 tỷ USD). Nhưng động đến Future Generations Fund – quỹ được thiết kế để đảm bảo duy trì thịnh vượng sau khi cạn kiệt dầu mỏ - là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Một bộ phận người dân Kuwait nói rằng đã đến lúc thích hợp, nhưng những người phản đối cảnh báo nếu không đa dạng hóa nền kinh tế và tạo ra việc làm thì số tiền đó cũng chỉ đủ dùng trong 15-20 năm mà thôi.

Future Generations Fund cũng đã mua hơn 7 tỷ USD tài sản trong những tuần gần đây. Quốc hội Kuwait vừa thông qua kế hoạch ngừng chuyển 10% nguồn thu từ dầu mỏ (tương đương 12 tỷ USD) vào quỹ này trong những năm ngân sách thâm hụt. Tuy nhiên chừng đó vẫn chưa đủ.

Chính phủ Kuwait cần tăng cường đi vay. Nhưng sau khi phát hành trái phiếu Eurobond năm 2017 thì luật nợ công của nước này hết hiệu lực. Bộ trưởng Tài chính Al-Sheetan đang nỗ lực thuyết phục các nhà làm luật ủng hộ kế hoạch vay thêm 65 tỷ USD nhưng không mấy khả quan trong bối cảnh có nhiều vụ bê bối tham nhũng nổ ra.

Kể từ năm 2006 đến nay Kuwait đã trải qua 16 đời chính phủ, 7 cuộc bầu cử và thay Bộ trưởng Tài chính 4 lần.

Sự bế tắc khiến niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn nghiêm trọng. Tháng 3, S&P Global Ratings và Moody’s cảnh báo hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Kuwait xuống tiêu cực. IMF cho rằng "cánh cửa cơ hội để Kuwait giải quyết các thách thức đang dần thu hẹp".

Tham khảo Bloomberg

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
7 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
6 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
6 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
6 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
5 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
8 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.