Chiều 18/5 diễn ra Hội thảo Xúc tiến Thương mại, Công nghệ và Thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam và Hội chợ Xúc tiến Thương mại cho các Hợp tác xã năm 2018 do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ tổ chức.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đến nay kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) vẫn là mô hình hiệu quả, nhưng trong tình hình mới, mô hình HTX cần phải đặt trong cuối giá trị sản phẩm mới có thể phát huy hết tiềm năng và lợi thế.
Với hơn 1 tỷ thành viên trên toàn thế giới, tạo ra doanh số hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm, tạo ra 250 triệu việc làm ổn định, khu vực HTX ngày càng chứng tỏ sức mạnh và tiếng nói của mình. Trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, doanh số các hợp tác xã là 266 tỷ USD; ngân hàng và tài chính 236 tỷ USD; bảo hiểm 403 tỷ USD; bán sỉ và lẻ 309 tỷ USD. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế hợp tác xã đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.
Trong năm 2017, khu vực kinh tế hợp tác đã đóng góp hơn 4% cho tăng trưởng GDP cả nước. Trong đó, các sản phẩm chính là các mặt hàng về nông sản như rau, củ, quả... thực phẩm chăn nuôi cung ứng cho thị trường, hàng thiết yếu cho đời sống xã hội, đóng góp lớn cho cân đối hàng hóa, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, kinh tế hợp tác, HTX hiện đang phát triển cả số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng, mang lại lợi ích cho thành viên.
"Phát triển kinh tế hợp tác, HTX đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế", ông Bảo khẳng định.
Bên cạnh đó, HTX là một loại hình kinh tế quan trọng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thường xuyên tổ chức thăm quan, khảo sát, trao đổi, học tập từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới cho các HTX thành viên. Những mô hình mới đã mang lại thành công cho hàng nghìn HTX, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn thành viên trên cả nước.
Đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng không ít HTX của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nội tại, đặc biệt là trong giai đoạn mới, khi phong trào khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp mà Chính phủ phát động. Nguyên nhân một phần là do cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống; sự quan tâm đối với khu vực này còn hạn chế.
Mặt khác, nhiều HTX vẫn tồn tại nhiều yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý, trong đó, đặc biệt phải kể đến phương án tìm đầu ra cho các sản phẩm của HTX.
Phần lớn HTX của chúng ta hiện nay là HTX nông nghiệp, việc thiếu kết nối giữa HTX và đầu ra sản phẩm dẫn đến tình trạng các hộ nông dân liên tục bán tháo sản phẩm như bí đỏ, dưa hấu vì thương lái ngừng mua.
Bên cạnh đó, tình trạng nông sản được mùa mất giá, cung vượt quá cầu đã liên tục diễn ra trong nhiều năm qua.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp căn cơ như phát triển mô hình liên kết doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, HTX, nông dân, để tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Việc liên kết doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ với đơn vị sản xuất, đặc biệt là những HTX, làng nghề còn giúp hạn chế tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo kiểu chạy theo thị trường, không có sự gắn kết, khiến nền nông nghiệp phát triển không ổn định và thiếu bền vững.