Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo, trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, công tác quy hoạch và phát triển đô thị Phổ Yên đã được tỉnh Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên chỉ đạo quyết liệt, tạo nên những chuyển biến rõ nét về diện mạo đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh và thị xã.
9 xã của thị xã Phổ Yên (gồm các xã: Đắc Sơn, Nam Tiến, Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành, Hồng Tiến, Tân Hương, Trung Thành) đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc thành lập 9 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 9 xã nêu trên là cần thiết, tạo thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên và của thị xã Phổ Yên.
Đối với thị xã Phổ Yên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nằm ở vị trí cửa ngõ phía nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, thị xã là đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía nam tỉnh Thái Nguyên và là cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa của tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, trên địa bàn thị xã Phổ Yên hiện đã có rất nhiều khu công nghiệp và theo Kế hoạch phát triển và phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Phổ Yên sẽ được nâng từ đô thị loại III lên đô thị loại II trong giai đoạn 2021-2025 với chức năng là trung tâm tiếp nhận, chuyển giao và lan tỏa công nghệ hiện đại của tỉnh.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, từ hiện trạng kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa ở các xã đề nghị thành lập phường, quy hoạch và định hướng phát triển của thị xã Phổ Yên nêu trên, việc thành lập thành phố Phổ Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Phổ Yên là cần thiết, tạo thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đô thị Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thị xã Phổ Yên.
Thẩm tra Tờ trình và Đề án thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và thành lập thành phố Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 9 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với những lý do nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên đã bảo đảm 5/5 điều kiện và 4/4 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị; việc thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã bảo đảm 5/5 điều kiện và 5/5 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, hồ sơ Đề án đã được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định.
Tại phiên họp, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng Tờ trình, Đề án của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.