Tuần giao dịch qua, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim liên tục đi xuống, từ mức 15.500 đồng/cp về chỉ còn 13.000 đồng/cp. Đi cùng với đó, nhà đầu tư cũng mạnh tay bán tháo khỏi cổ phiếu từng "đong đầy" hi vọng này.
Lượng giao dịch tương ứng tăng mạnh, trung bình thời gian gần đây đạt 2-3 triệu đơn vị. Riêng phiên cuối tuần 12/10, NKG bật đèn xanh trở lại lên mức 13.400 đồng/cp với gần 1,4 triệu cổ phiếu được sang tay.
Gặp khó, cổ phiếu NKG đã lao dốc từ đầu năm
Thực tế, đà giảm của Nam Kim bắt đầu từ cuối năm 2017, khi mà tính cạnh tranh gia tăng cùng biến động thị trường thép thế giới đã tác động không nhỏ lên tình hình kinh doanh của Công ty. Song song với đó, việc tăng cường mở rộng đầu tư nhà máy nhằm khép kín chuỗi giá trị thời gian đầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến biên lãi của Nam Kim, chi phí xây dựng cùng chi phí liên quan đè nặng.
Bước sang năm 2018, khó khăn lại càng chồng chất, áp lực cạnh tranh trong ngoài nước lên cao, chi phí nguyên vật liệu là HRC cũng liên tục leo thang, đi cùng chính sách tồn kho phản ứng ngược khiến Nam Kim sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Điển hình qua 6 tháng đầu năm, bức tranh tài chính tại "ông lớn" tôn thép này cho thấy một sự chênh lệch lớn giữa doanh thu và lợi nhuận, khi mà doanh thu tăng 44% nhờ tăng trưởng sản lượng, song lợi nhuận sau thuế thu về lại giảm mạnh mạnh đến 34%. Mặc dù giá bán trung bình của Nam Kim tăng 16-19% nhưng chưa thể bù đắp cho mức tăng 32% của nguyên liệu đầu vào chính là thép cán nóng HRC. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của của NKG cũng giảm 3,7% xuống mức thấp nhất 3 năm là 7,2% trong kỳ.
Biến động cổ phiếu NKG 1 năm và 3 tháng qua.
Áp lực chồng chất
Hạ hồi phân giải vấn đề, (1) liên quan đến chi phí nguyên vật liệu HRC, cần lưu ý rằng mối tương quan giữa giá HRC và các nhà sản xuất thép dẹt đã đảo chiều từ cuối năm 2017, dẫn đến bài toán tồn kho gây phản ứng ngược so với dự định.
Tức, từ đầu năm 2016 khi giá HRC chạm đáy và phục hồi, tỷ suất lợi nhuận gộp của thép dẹt thường sát với giá thép Nam Kim cùng những đơn vị cùng ngành khác. Do đó, Nam Kim đã có thể tăng giá thép nhanh chóng và tận dụng lợi thế của hàng tồn kho giá rẻ của mình; điều này là nhờ tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ tác động đến tăng trưởng doanh thu toàn ngành là 32% trong năm 2016 và 22% trong năm 2017 và áp lực cạnh tranh tương đối thấp trên thị trường, SSI Research từng cho biết. Song, từ cuối năm 2017, mối tương quan đã không còn khi tỷ suất lợi nhuận của Nam Kim đều giảm do hàng tồn kho giá thấp không còn nhiều.
Giá HRC và tỷ suất lợi nhuận gộp của Nam Kim, Hoa Sen Group
Nguồn: Bloomberg, SSI Research.
Bên cạnh đó, (2) áp lực cạnh tranh tăng trên thị trường nội địa và xuất khẩu gia tăng khiến các nhà sản xuất thép dẹt khó có thể chuyển phần chi phí đầu vào tăng cho người tiêu dùng, trong đó có Nam Kim. Đặc biệt, với sự tham gia mới của "đại gia" Thép Hòa Phát (HPG) vào thị trường tôn mạ đầu năm nay lại càng đẩy tính cạnh tranh lên cao.
Chưa kể, (3) chiến tranh thương mại leo thang cũng tạo thêm áp lực lên triển vọng xuất khẩu tôn mạ, bởi tỷ trọng xuất khẩu hiện chiếm đến 50% tổng sản lượng tiêu thụ của Nam Kim, như vậy sự lan truyền của chủ nghĩa bảo hộ trên phạm vi toàn cầu dễ dàng gây tổn thương đơn vị này.
Theo VCSC, Nhà máy Nam Kim 3 mới kỳ vọng giúp gia tăng công suất sản xuất tấm tôn mạ Công ty thêm 190% lên 1,2 triệu tấn từ quý 3/2017 đến quý 1/2018, trong khi nhà máy Nam Kim 4 gia tăng công suất ống thép của NKG thêm 150% lên 300.000 tấn từ quý 2/2017.
Ước tính, Nam Kim sẽ vận hành với công suất khoảng 60% trong năm 2018, tương đương dư địa còn lớn cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo mà không cần mở rộng tăng trưởng công suất lớn.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, để đẩy mạnh sản lượng, (4) Nam Kim thời gian qua đã áp dụng chính sách trả chậm, vô hình trung khiến áp lực tài chính lên cao, dư nợ vay tăng và chi phí lãi vay tương ứng tăng. Và cuối cùng, không đứng ngoài cuộc đua Nam Kim cũng tăng cường mở rộng công suất, một mặt mang lại dư địa tăng trưởng, theo giới phân tích, mặt còn lại đòi hỏi dự trữ nhiều nguyên vật liệu hơn, chi phí xây dựng cùng các khoản liên quan tạo áp lực lên vốn lưu động.
Nhìn chung, Nam Kim cho thấy đang đi vào vùng trũng của kinh doanh, áp lực từ nhiều phía dẫn đến việc Công ty khó có thể trả cổ tức (tiền mặt) trong năm 2018, điều này có lẽ cũng làm giảm "hứng thú" của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đồng tình rằng Nam Kim sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong tương lai khi tiền mặt sẽ được giữ lại để thanh toán nợ vay và tài trợ vốn lưu động. Dự báo, doanh thu thuần cả năm 2018 của Nam Kim ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 25% song biên lợi nhuận gộp dự giảm từ 8,6% xuống còn 7,8%, lợi nhuận sau thuế theo đó giảm mạnh 39% về 434 tỷ.