Năm 2022 có thể nói là một năm khó khăn với ngành ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là khi mặt bằng lãi suất tăng lên do áp lực thanh khoản và lạm phát trên toàn cầu. Trong bối cảnh nhiều biến động như vậy, bài toán giảm thiểu chi phí vốn là trọng tâm được các ngân hàng hướng tới và những nhà băng có tỷ lệ CASA cao (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) sẽ có nhiều lợi thế.
Bức tranh tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng có phân hóa khá rõ rệt, với chỉ 4 nhà băng ghi nhận tỷ lệ này đạt trên 30% vào cuối năm 2022, toàn ngành có hàng chục nhà băng khác vẫn chưa thể cải thiện qua mốc 10%. Trong đó, MSB là ngân hàng tầm trung góp mặt vào Top dẫn đầu.
Báo cáo tài chính của MSB cho thấy, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 (tăng 7,6%), dù xu hướng chung của toàn ngành là đi xuống. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng theo đó đạt 31,16%, nằm trong nhóm cao nhất thị trường.
Chiến lược chuyển đổi số và lấy khách hàng làm trọng tâm được xem là động lực chính tạo nên lợi thế CASA cho MSB. Với sản phẩm dịch vụ đa dạng và tiện ích, đặc biệt là sản phẩm tài khoản và huy động, MSB thu hút thêm gần 1 triệu khách hàng cá nhân trong năm 2022, tương đương tăng 32% và đạt 3,9 triệu khách. Cùng với đó, số lượng khách hàng doanh nghiệp tăng 14%, đạt trên 72 nghìn khách hàng.
Sở hữu lợi thế về chi phí vốn, kết hợp với việc tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh mảng khách hàng cá nhân, MSB là một trong những ngân hàng hiếm hoi cải thiện được biên lãi ròng (NIM), tiếp tục tăng trưởng tốt so với năm trước và đạt 4,5%. Thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước và vẫn giữ vị trí là động lực tăng trưởng chính.
Bên cạnh đó, MSB cũng hướng tới đa dạng hóa nguồn thu nhập, nhiều mảng kinh doanh phi tín dụng tiếp tục có tăng trưởng tích cực. Trong đó, lãi thuần từ kinh doanh doanh ngoại hối đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ (nếu loại bỏ khoản thu đột biến từ phí trả trước bancassurance năm 2021) vẫn có tăng trưởng dương trong năm 2022.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MSB đạt 5.787 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021 và ghi nhận mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn từ 2018 – 2022 đạt 53,1%, hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm (2018-2023) được đề ra. Các chỉ số về khả năng sinh lời đạt kết quả cao, như ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) đạt 2,31%, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 18,44%.
Hoạt động quản trị rủi ro, an toàn hoạt động của MSB tiếp tục được củng cố, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,77% (thấp hơn nhiều so với mức trần 85%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%, cao hơn so với yêu cầu tối thiểu 8% của Basel II. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%, dư nợ tái cơ cấu chỉ còn khoảng 1.400 tỷ.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản MSB đạt 213.394 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 119 nghìn tỷ đồng, tăng 19%. Tiền gửi khách hàng đạt 117 nghìn tỷ, tăng 24%.
Năm 2022 đánh dấu mốc mới về phát triển quy mô của MSB khi ngân hàng hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng. Đây sẽ là nền tảng để ngân hàng nắm bắt các cơ hội kinh doanh, tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Nhìn lại những kết quả đạt được, năm 2022 là một năm thành công với MSB. Lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh, với diễn biến của lãi suất huy động và những khó khăn của thị trường trong nước cũng như quốc tế, hoạt động ngân hàng tập trung vào ổn định kinh doanh, tính thanh khoản và đảm bảo hỗ trợ được khách hàng tốt nhất. MSB cũng tích cực tham gia vào chương trình giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, với mức giảm từ 2,5-3%/năm cho các khoản vay trung, dài hạn hồi cuối năm 2022.