Theo đó, MSB sẽ phát hành thêm tối đa 472.500.000 cổ phiếu, trong đó bao gồm: 458.250.000 cổ phiếu thưởng phát hành cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% so với vốn điều lệ hiện tại; 14.250.000 cổ phiếu phát hành cho người lao động MSB theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022. Tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.725 tỷ đồng.
Số lượng cổ phiếu đang lưu hành dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng.
Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là nguồn vốn chủ sở hữu, cụ thể là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Việc tăng vốn giúp MSB nâng cao năng lực tài chính, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư mạnh mẽ cho các dự án chiến lược, đặc biệt là chuyển đổi số.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 3.336 tỷ đồng. Nếu không bao gồm khoản thu phí từ hợp đồng hợp tác bán Bancassurance với Prudential được tính vào quý 2/2021, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động lõi nửa đầu năm 2022 của MSB tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận này là kết quả của việc ngân hàng gia tăng tổng thu nhập thuần, được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng ở cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Với thu nhập ngoài lãi, hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về 561 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, nằm trong top đầu các ngân hàng TMCP trên thị trường trong mảng sản phẩm này. Mảng đầu tư, mua bán chứng khoán cũng tăng tích cực, MSB ghi nhận lãi vượt trội hơn 660 tỷ đồng từ việc cơ cấu lại danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ, thể hiện sự nhạy cảm với biến động thị trường và vị thế của ngân hàng vốn là nhà tạo lập thị trường nhiều năm liên tiếp với thị phần dẫn đầu.
Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm của MSB tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.024 tỷ đồng. Kết hợp với thế mạnh về tỷ lệ CASA đạt 36,72%, trong nhóm dẫn đầu thị trường, MSB đã nâng biên lãi ròng (NIM) lũy kế 12 tháng đạt mức hiệu quả nhất trong các năm gần đây – 4,05%.
Không chỉ tăng trưởng về các chỉ tiêu kinh doanh và sinh lời hiệu quả, MSB cũng tập trung duy trì và cải thiện chất lượng tài sản. Tỉ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng tính theo thông tư 11/2021/TT-NHNN chỉ 1,1% (số ngân hàng riêng lẻ) - mức thấp nhất trong 5 quý gần đây. Các khoản nợ tái cơ cấu liên tục giảm và chỉ còn chiếm 2,15% tổng dư nợ tín dụng tại 30/6/2022. Riêng trái phiếu doanh nghiệp, MSB chỉ còn nắm giữ khoảng 3000 tỷ đồng, nằm trong số những ngân hàng có quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp nhất thị trường.
Từ việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay cũng như quản lý nợ, xây dựng kế hoạch tăng vốn hợp lý và sớm áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro, hệ số CAR của MSB đạt mức cao – trên 12% và cũng là mốc cao nhất kể từ khi MSB áp dụng cách tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN.