Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, tình hình dịch bệnh Corona vẫn đang hết sức căng thẳng. Điều này tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Hàng loạt nhà đầu tư đã chấp nhận bán tháo dù nhiều cổ phiếu đã thủng đáy 3 năm, đẩy hàng loạt cổ phiếu về giá sàn. VnIndex có lúc mất đến hơn 43 điểm. Tính tổng 3 phiên kể từ sau tết nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi hơn 13 tỷ USD vốn hoá.
Chỉ số VnIndex ổn định hơn sau khoảng 50' giao dịch đầu tiên. Nhiều người đã nhận ra rằng, nhà đầu tư đã hoảng loạn thái quá và bán cổ phiếu giá thấp trong khi đó, những "ông trùm" đầu cơ đang chờ đợi giá xuống để mua vào cổ phiếu. 50 phút giao dịch với giá trị khớp lệnh HoSE đạt hơn 1.550 tỷ đồng cho thấy sức mạnh của dòng tiền vẫn có và đâu đó đang có những người chờ đợi đám đông hoảng loạn để canh mua vào.
Dịch cúm Corona nhìn theo nghĩa tiêu cực thì cướp đi hàng chục tỷ USD vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng nhìn theo góc tích cực thì nhà đầu tư đã sợ hãi thái quá, đẩy giá cổ phiếu về đáy 3 năm và đâu đó đằng sau nỗi sợ hãi của đám đông là những người đang chờ đợi cơ hội. Chính vì thế, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh, hít một hơi thật sâu, chậm lại vài phút trước khi quyết định mua hay bán. Những nhà đầu tư có sử dụng margin thì nên giảm tỷ trọng vay về ngưỡng an toàn. Không ai có thể trade thành công với một cái đầu đầy nỗi sợ hãi cả.
Chúng tôi xin "hỏi" nhà đầu tư và hy vọng nhà đầu tư sẽ tự trả lời và tìm cho mình được phương án hành động đúng, tránh bị nỗi sợ hãi chi phối hành động.
Thứ nhất: Tình trạng tài khoản của bạn đang như thế nào? Có dùng vốn vay hay không? Có chịu áp lực trả nợ lớn/ margin call khi cổ phiếu giảm sâu hơn nữa không? Nếu tỷ lệ nợ đang rất cao, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng vốn vay vì sẽ không ít nhà đầu tư khác đang nhìn vào tài khoản lúc nào cũng như sắp "nổ" vì margin của bạn để chọn thời điểm bạn không chịu đựng được nữa mà phải bán ra.
Thứ hai: Bạn nhìn nhận tác động kinh tế đối với sự kiện như Corona như thế nào? Việc bán ra ồ ạt như hiện tại có thực sự phù hợp với tình hình kinh tế, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp?
Thứ ba: Bạn đã bình tĩnh để suy xét dòng tiền mua và bán trên thị trường chưa? Vì sao họ lại bán cổ phiếu và vì sao những nhà đầu tư khác lại mua cổ phiếu? Mỗi một trader khi thực hiện giao dịch nên đặt câu hỏi trước khi hành động đấy là rủi ro của thua lỗ này nếu có lớn tới mức độ nào, và chúng ta có chấp nhận được mức độ đó hay không?
Thứ tư: Bán xong cổ phiếu trong cơn hoảng loạn, bạn sẽ dùng tiền còn lại làm gì? Lao vào tiếp để bắt đáy hay chỉ đơn giản là bạn cắt lỗ, thoát khỏi thị trường?
Thứ năm: Mua bây giờ đã phải là thời điểm đúng? Liệu thị trường còn bị giảm hơn nữa hay không? Tình trạng dịch bệnh đã giảm bớt chưa? Quốc tế thế nào?
Thứ sáu: Suy cho cùng, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hôm nay là từ sự kiện Corona. Vậy, những sự kiện tương tự trong quá khứ xảy ra như thế nào, khắc phục ra sao, bao lâu, ngành gì bị thiệt hại/ sẽ hưởng lợi sau sự cố?
Thị trường chứng khoán luôn vận động rất nhanh tính bằng miligiây. Tuy nhiên, mọi thứ đều có điểm bắt đầu và sẽ có điểm kết thúc. Nếu bình tĩnh suy xét, tính toán kỹ những rủi ro lớn nhất mà mình có thể chịu đựng thì nhà đầu tư sẽ có được sự bình tĩnh trước khi hoảng loạn hành động. Chúng tôi hy vọng rằng nhà đầu tư cần hiểu rõ không ai trade thành công với cái đầu chất đầy nỗi sợ hãi cả. Trước hết, hãy dừng lại, nghĩ về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, nghĩ về kịch bản tệ nhất mà mình có thể chấp nhận được và rồi tính cho mình phương án bán/mua.