Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế và các khách hàng của các TCTD, khiến nợ xấu đã có sự gia tăng mạnh. Tính đến ngày 30/9/2021 nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã quay trở lại mức 1,9%.
Nguyên nhân một phần do nợ xấu tăng khi khả năng trả nợ của khách hàng bị suy yếu vì dịch Covid-19, một phần cũng bởi công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, các TCTD và VAMC không thể gặp trực tiếp khách hàng nên hoạt động thu hồi nợ, đấu giá tài sản, thi hành án… đều rất khó khăn.
Trong 8 tháng đầu năm 2021 toàn hệ thống các TCTD đã xử lý thu hồi được 90,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chỉ đạt 63% so với bình quân giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, công cụ đắc lực nhất để xử lý nợ xấu là Nghị quyết 42 còn chưa đầy một năm nữa sẽ hết hiệu lực.
Nợ xấu tăng nhanh trong khi hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu chưa đầy đủ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn.
Để giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng, vì lợi ích chung của nền kinh tế, LS. Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần tiếp tục gia hạn Nghị quyết 42 trong thời gian chờ đợi Luật hoá Nghị quyết này để áp dụng lâu dài. Nếu không gia hạn Nghị quyết 42, muốn xử lý nợ xấu, thu hồi TSBĐ của khách hàng không hợp tác, ngân hàng lại phải khởi kiện mất nhiều thời gian, nguy cơ nợ xấu lên cao.
"Luật hoá xử lý nợ xấu là biện pháp quan trọng để giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả. Vì mấu chốt của xử lý nợ xấu là thu hồi TSBĐ. Khi Luật hoá các quy định, ngân hàng thu hồi, xử lý nhanh hơn TSBĐ. Tất nhiên, quy định phải hợp lý, đảm bảo hài hoà lợi ích cả người vay và người cho vay", LS. Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh việc kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 hoặc sớm ban hành Luật Xử lý nợ xấu, giới chuyên môn đang hy vọng sự vận hành hiệu quả của Sàn giao dịch nợ VAMC. Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC cho biết, đến ngày 19/11/2021 tức là sau hơn một tháng hoạt động, Sàn đã ký hợp đồng đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu với tổng dư nợ 7.458 tỷ đồng. Sàn giao dịch nợ VAMC đã có 35 đơn vị được cấp tài khoản thành viên.
Tuy nhiên, hiện tại, việc bán nợ trên sàn cũng đang gặp những trở ngại. Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng còn bối rối vì vướng mắc nhiều quy định pháp lý. Chẳng hạn, TCTD thực hiện bán khoản nợ sẽ phải công khai rất nhiều thông tin về khoản nợ, trong khi quy định liên quan vấn đề bảo mật thông tin lại không cho phép. Hay như hiện trong các tiêu chuẩn về định giá nợ còn thiếu hẳn tiêu chuẩn về định giá khoản nợ xấu. Ngay cả khi việc mua bán nợ đã diễn ra thành công, thì rủi ro vẫn rất lớn. Thực tế, đã từng có bên mua nợ phải trả lại khoản nợ cho TCTD vì vướng mắc nhiều khâu như con nợ không bàn giao tài sản, cơ quan tài nguyên - môi trường địa phương không chấp nhận các thủ tục sang tên…
Chia sẻ với băn khoăn của TCTD, ông Hòa thừa nhận, hiện khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ còn chưa đồng bộ, quy định điều chỉnh hoạt động chưa hoàn chỉnh, nằm rải rác tại các văn bản khác nhau, bao gồm các nghị định, quyết định của Thủ tướng, Thông tư của các bộ, ngành. Trong khi phương thức mua bán nợ xấu chưa đa dạng, thành phần tham gia thị trường nợ còn ít, chủ yếu là VAMC và các ngân hàng nên chưa khuyến khích NĐT tham gia.
"Trước đây có khá nhiều nhà đầu tư tới làm việc với VAMC cũng như có hoạt động xúc tiến bước đầu để tham gia thị trường mua bán nợ xấu. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên họ chưa tham gia mạnh mẽ vào thị trường này", lãnh đạo Sàn Giao dịch nợ VAMC thông tin thêm.
Để thúc đẩy các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ, hỗ trợ Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động hiệu quả, ông Hoà đề xuất, thời gian tới tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý nhất là liên quan đến quy định pháp luật về đất đai, nhà ở… Đặc biệt, cần sớm Luật hóa các nội dung Nghị quyết 42, kế thừa điểm tích cực cũng như khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay như quyền thu giữ liên quan đến TSBĐ.
Song song với đó, xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam… "Nếu làm được điều này sẽ giúp thị trường mua bán nợ xấu phát triển hơn trong giai đoạn tới, thúc đẩy xử lý nợ xấu hiệu quả hơn", ông Hoà nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm, một chuyên ngân hàng khuyến nghị thêm, để thị trường mua bán nợ phát triển, cần đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia thị trường, hoạt động xử lý nợ phải công khai minh bạch và hợp pháp, cần thành lập các tổ chức quản lý và giám sát thị trường một cách chặt chẽ, hiệu quả.