Thuở ấy, từ Phan Thiết đến Xuân Phong có hai ngã đường chính nhưng chỉ là đường đất. Từ ngã ba Bảy Xiểm ở phía trên đồn Trinh Tường đi thẳng về hướng Tây chừng cây số là đến địa phận của làng. Một đường nữa đi từ ngã ba xóm Tỉnh, băng ngang đường ray xe lửa, đến phần dưới của Xuân Phong, đi tiếp rẽ qua suối Bà Tiên vòng lên xóm Thượng Cà rồi cũng qua Xuân Phong.
Con cá chốt thuộc họ cá da trơn nước ngọt, gần giống với các loại cá trê, cá ngạnh, cá lăng nhưng không lớn bằng. Cỡ to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái. Bắt cá chốt phải lưu ý đến mấy cái ngạnh của nó. Bị nó châm phải một phát thì máu chảy dầm dề, thương đau nhức.
Dân giăng lưới hay câu cá chốt đều phải có bí quyết truyền miệng kinh nghiệm với nhau, để tránh gặp cảnh vừa mới ra quân mà phải cuốn lưới để về vì không chịu nỗi cái đau nhức do cái ngạnh cá đâm phải gây ra. Câu “Đau như cá chốt chích” thật không sai.
Nhưng cái thú giăng lưới, đi câu, thả diều, bắt dế trong những ngày hè không làm chúng tôi chùn bước. Và có lẽ các món ngon từ con cá chốt đồng mang lại mới làm bọn trẻ chúng tôi hăm hở vác cần, vác lưới ra đi. Tháng mưa, cá chốt mập ú, bụng đầy mỡ, thịt thơm mà béo, nếu là giăng lưới thì đến khi thu phải mang cả tay lưới về đến sân nhà mới gỡ.
Cần thêm một cái kềm tay để bóp cho gãy mấy cái ngạnh mới gỡ được cá chốt ra và không làm rách lưới. Còn đi câu phải dùng loại lưỡi bằng dây thép uốn tròn tự làm không có ngạnh để câu, câu bằng mồi trùn đất là nhạy nhất.
Cá chốt ăn mồi rất tạp, gặp mồi là ăn, hết con này đến con khác, có khi cả đàn gần trăm con vẫn còn cắn câu. Nếu câu bằng lưỡi có ngạnh thì gỡ rất lâu mà vô ý lại coi chừng đụng vào cái ngạnh. Câu lưỡi trơn, khi cá dính câu chỉ cần vuốt theo sợi cước đến đầu lưỡi câu rồi lộn ngược lưỡi lại là cá chốt rớt ra, rất nhanh mà không bị chích.
Mình cá chốt rất trơn, khi làm cá chốt thì đầu tiên phải chặt ngạnh, cắt đuôi rồi mổ bụng loại bỏ hết phần ruột, để nguyên phần đầu rồi quăng vào thau nước muối.
Ở miệt quê lúc đó thường hay nuôi heo và tận dụng những thứ thừa từ thực phẩm để nấu lại cùng tấm cám và rau cho heo ăn. Cá chốt có bộ lòng rất béo, nhiều đạm, nấu cho heo ăn là nhất nhưng phải loại bỏ hoặc bằm cho nhỏ mấy cái ngạnh cá còn lẫn trong ruột, heo ăn tạp nên rất dễ mắc ngạnh cá, làm bệnh hoặc chết heo.
Đảo hai lần nước muối con cá chốt sạch trơn. Có nhiều cách để chế biến cá chốt, nhưng có hai món để đời mà khi đã thưởng thức rồi thì không dễ gì quên được. Món canh chua cá chốt nấu với cây chuối hột non xắt phún cùng với một ít khế chua và vài trái me chín.
Món nữa là món cá chốt kho rim với bột nghệ, thơm từ khi còn kho trên bếp cho đến khi nhai, mùi thơm đặc trưng khiến ăn hoài không ngán. Nấu canh chua thì giã một cối hành ớt, nêm ít nước mắm rồi đổ vào ướp cá, mở nắp tiềm đựng mỡ múc một muỗng canh cho vào nồi, loại cá này phải tao kỹ để khử mùi tanh.
Mùi hành, mùi ớt, mùi mắm cộng mùi thơm của cá chốt mới tao thôi đã bay nức mũi. Me chín ngâm nước cho ra chất chua, gạn lại rồi đổ chung vào nồi, chặp sau nước canh sôi hai ba dạo, nêm nếm cho vừa miệng rồi đổ chuối xắt và khế chua vào.
Cả nhà đã có nồi canh chua cá chốt dân dã, đậm đà, ăn hoài vẫn còn thèm. Món cá chốt kho thì nhẹ nhàng hơn. Cũng hành ớt giã, thêm ít nước mắm và cục đường tán, kho trong cái nồi đất, để lửa liu riu, nước sôi lập bập trên mặt lớp cá cho đến khi cá thấm, thêm một lần nước nữa rồi cho bột nghệ vào.
Kho lại cho đến khi nước còn xâm xấp mặt con cá chốt là được. Cơm nóng ăn với cá chốt kho này, cộng với mớ rau vạn thọ chua và mấy trái ớt hiểm hái ngoài vườn, dù đi đâu vẫn nhớ mãi mang theo.
Tuổi thơ vô tư lự, nhớ nhớ quên quên, nhưng bao nhiêu năm tháng đi qua trong đời, những món ăn đạm bạc miền quê không làm tôi quên được. Một món ngon mà đến giờ tìm lại chắc không còn. Nghe nói phải có người quen canh chừng ở chợ cá đồng sáng sớm tận trên hồ Sông Quao mới có cá chốt. Loại cá chốt này chỉ thấy cái ngạnh thôi đã sợ, nhưng khi đã bỏ đi rồi, phần còn lại cũng là phần tinh túy nuôi tôi lớn chắc mỗi ngày. |