Khi bước chân vào sự nghiệp đầu tư chứng khoán, hầu như, ai cũng sẽ trải qua một khoảng thời gian gọi là: Mua đâu lỗ đấy. Có người hễ cứ động vào mã nào thì mã đấy giảm, vừa cắt lỗ thì cổ phiếu đó tăng…Cứ như thể, có một thế lực vô hình nào đó khiến họ không thể kiếm tiền trên thị trường chứng khoán vậy.
Xung quanh họ tất nhiên cũng có những người lãi hay đúng hơn, họ nhìn vào nghìn mã cổ phiếu trên sàn vẫn thấy có nhiều mã tăng giá, thậm chí tăng phi mã. Tức là, kể cả chọn theo trường phái hì hụi phân tích kỹ thuật cổ phiếu, tìm hiểu kỹ càng doanh nghiệp từ doanh thu, lợi nhuận, chiến lược kinh doanh…hay là mua, bán theo tin đồn hay mua bán kiểu đặt cửa ăn may, rủi…thì kết quả của đầu tư của bạn vẫn là lỗ.
Trạng thái mua đâu lỗ đấy đẩy nhiều nhà đầu tư vào một thứ tâm lý: không tin vào chính bản thân mình và không biết hành động thế nào mới là phù hợp. Tâm lý của họ bắt đầu rơi vào trạng thái bất ổn: cắt lỗ đứng ngoài thị trường thì chửi bới bản thân ngu ngốc khi cổ phiếu hồi phục vài line, đầu tư kiểu "cố đấm ăn xôi" nhằm gỡ gạc thì thua lỗ đơn lại thành thua lỗ kép, cổ phiếu lên được một chút lại dùng full margin nhằm "trả đũa thị trường" và rồi, thị trường lại đánh vào bạn một đòn đau.
Bài viết này nhằm chỉ ra khi đối mặt với tình trạng nếu bạn rơi vào trạng thái tâm lý nói trên thì có nên dừng lại một thời gian không?
Kiểm tra túi tiền của mình trước khi quyết định
Theo nhiều nhà đầu tư dầy dặn kinh nghiệm, việc ngừng giao dịch khi đối mặt với tình trạng thua lỗ liên tiếp một thời gian phụ thuộc vào điều kiện bản thân mỗi người. Nếu như việc thua lỗ tiếp theo ảnh hưởng tới số tiền mà bạn không được quyền mất thì có lẽ bạn nên nghỉ. Nếu không nghỉ, bạn sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát ở mức cao hơn.
Sau khi dừng giao dịch, ít nhất, tâm lý của bạn đã có đủ khoảng trống để trấn tĩnh và chọn phương án xử lý phù hợp. Điều này là cần thiết bởi giao dịch chỉ hiệu quả tối ưu khi bạn làm chủ được tâm lý của bản thân. Nếu tinh thần bạn đủ khoẻ hơn thì thời gian dừng lại là cơ hội để bạn chưa trang bị đủ kiến thức và xây dựng một hệ thống giao dịch hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên nếu nghỉ giao dịch một thời gian dài do bạn mất niềm tin vào khả năng của bản thân, cảm giác mình không phù hợp với nghề đầu tư thì có lẽ không nên bởi những lý do sau:
Việc dừng giao dịch như vậy không giúp chúng ta tiến bộ, không giúp chúng ta cân bằng được cảm xúc tốt hơn cũng như không hoàn thiện được hệ thống giao dịch qua thời gian và mọi thứ vẫn như cũ. Chúng ta nên hiểu rằng việc thua lỗ là một điều tất yếu trong đầu tư dù bạn giỏi đến đâu chỉ đơn giản bởi vì nó là chi phí cho những lần giao dịch thành công.
Nếu việc thua lỗ tiếp theo vẫn nằm trong khả năng chịu đựng rủi ro của bạn, bạn sẽ có thêm lựa chọn khác: tiếp tục ở lại thị trường. Giao dịch có hay không, ít hay nhiều không quan trọng bằng việc bạn đang ở lại. Dừng lại đồng nghĩa với việc các kiến thức hay thông tin hữu ích cho những vụ đầu tư trong tương lai sẽ bị mất đi tương đối còn việc ở lại thị trường đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn đang thường xuyên nghe ngóng thông tin, cập nhật kiến thức, đón cơ hội bất cứ lúc nào.
Học cách xử lý tài khoản nếu chọn ở lại thị trường
Chọn dừng lại thì dễ rồi. Off and out và trị thương tâm lý. Cũng không ai coi đó là thất bại cả, khi "mặt trận" này không phải thế mạnh của mình thì mình ở lại cũng chỉ khiến mình tồi tệ hơn. Suy cho cùng, chứng khoán cũng chỉ là một kênh đầu tư bên cạnh hàng loạt kênh khác.
Chọn ở lại thị trường cũng không phải để "khoe khoang" sống sót. Thua lỗ mặc dù gây cảm giác tồi tệ cho mỗi nhà đầu tư, tuy nhiên chính nó lại giúp chúng ta tiến bộ nhanh nhất nếu chúng ta không bỏ cuộc. Sai đâu sửa đấy vì việc học hỏi là việc cả đời, và những bài học đau thương trong quá khứ luôn giúp chúng ta trở nên vững hơn trong tương lai.
Theo kinh nghiệm của những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường, việc đầu tiên khi cần làm khi ở lại thị trường là xử lý các mối quan hệ nợ nần. Nếu tài khoản đang nặng nợ margin, hãy mạnh tay giảm bớt dư nợ, thậm chí, trả về trạng thái tiền tươi thóc thật. Là tiền của mình, mất mát mình có thể chịu đau dễ hơn là dùng tiền người khác và mỗi khi thị trường xuống lại là khi phải đối mặt với hàng loạt tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ. Chỉ riêng mỗi việc trả nợ thôi đã khiến bạn không thể làm nổi gì chứ đừng nói đến việc tĩnh tâm nghĩ kế đầu tư.
Xử lý nợ nần, suy cho cùng, cái bạn mất chỉ là một chút đòn bẩy vốn khi thị trường quay đầu tăng còn cái bạn được là rất nhiều. Bạn không bị thua lỗ kép khi rủi ro đang tăng và bạn không bị áp lực tâm lý khi bị đòi nợ. Tài khoản của bạn sẽ không bị bào mòn nhanh chóng vì liên tục bán ra, trả nợ vay.
Sau khi xử lý được nợ nần, não bộ của bạn đã bình tĩnh được hơn rất nhiều so với trước đó. Việc thứ hai cần làm là nhìn lại danh mục đầu tư, mã gì nên giữ, mã gì nên bán cắt lỗ…
Việc thứ ba sẽ là chuẩn bị tiền để đón cơ hội. Khi đã có một danh mục bạn tin tưởng không sớm thì muộn cũng sẽ mang lại tiền cho bạn, tâm lý của bạn sẽ yên tâm hơn vô cùng. Điều thứ ba cần làm là chuẩn bị nguồn lực để đón cơ hội. Còn tiền là còn cơ hội. Ngoài khoản tiền bạn có do bán cắt lỗ trong bước thứ hai thì bạn còn có thể huy động tiền từ nguồn nào...
Việc cuối cùng, chuẩn bị chọn thời điểm thích hợp để lật ngược thế cờ.