Mùa đại hội cổ đông ngân hàng bắt đầu nóng dần lên, những mục tiêu kinh doanh tham vọng, kế hoạch tăng vốn mạnh bạo và biến động nhân sự cấp cao trở thành tâm điểm chú ý và bàn tán của thị trường. Bên lề những kế hoạch lớn lao kia, các ngân hàng cũng rất tỉ mỉ trong việc chọn địa điểm để tổ chức cuộc họp được trông chờ nhất năm sao cho thuận tiện với cổ đông nhất. Hơn nữa, việc tổ chức họp ở một nơi "sang chảnh" cũng là một cách để ngân hàng ghi điểm với các cổ đông của mình.
Hà Nội và TP.HCM là hai địa điểm chính vì đây là 2 thành phố thường được các ngân hàng đặt trụ sở, tuy nhiên, một số khác cũng linh hoạt với các địa điểm mới lạ hơn, thông thường là các thành phố du lịch nổi tiếng. Nơi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và cách tổ chức của từng nhà băng cũng có nhiều điểm khác biệt thú vị, thậm chí mang đậm "phong cách" và nét văn hóa riêng của họ.
Ở Hà Nội, khách sạn Melia là địa chỉ quen thuộc của các ngân hàng tư nhân lớn khi tổ chức các sự kiện quan trọng. Chẳng hạn, năm nay, Techcombank và SHB đều sẽ tổ chức họp tại đây, lần lượt vào ngày 13/4 và ngày 23/4. Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội nằm ngay mặt đường Lý Thường Kiệt, thường xuyên là điểm đến của nhiều chính khách, nguyên thủ quốc gia, và gần đây nhất là nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jon Un chọn lưu trú trong những ngày tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Melia là địa chỉ tổ chức ĐHĐCĐ quen thuộc của các ngân hàng
Năm 2018, VPBank cũng tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên tại một hội trường hàng trăm chỗ ở Melia, sau nửa năm niêm yết và ghi nhận lợi nhuận kỷ lục. Trước đó, năm 2017, đại hội của VPBank chỉ được tổ chức tại phòng họp nhỏ của Metropole. Năm nay, đại hội của VPBank lại được "nâng cấp" về họp tại hội trường Tòa nhà VPBank – trụ sở chính của nhà băng ở Láng Hạ - Hà Nội.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước như VietinBank và BIDV cũng ưa thích tổ chức họp "sân nhà" hơn là thuê địa điểm ở ngoài. Năm nay, BIDV sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ ở trường đào tạo cán bộ ngay trên đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm; còn VietinBank họp ở trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Hoài Đức, Hà Nội. Trong khi đó, Vietcombank dự kiến tổ chức ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc gia.
BIDV và VietinBank thường tổ chức họp ở trường đào tạo nhân lực
Ngoài ra, các ngân hàng nhỏ như NCB, TPBank cũng thường tổ chức họp ở Trụ sở của mình. TPBank thì tổ chức ở Tòa nhà TPBank trên đường Lý Thường Kiệt, còn NCB thì họp tại trụ sở trên đường Bà Triệu.
Ở TP.HCM, khách sạn Sheraton là địa điểm quen thuộc của ACB và Eximbank. Trong khi ACB sẽ họp vào ngày 23/4 thì Eximbank họp vào ngày 26/4. Điểm trùng hợp cuộc họp năm ngoái của 2 nhà băng này đều rất "nóng bỏng", khi ở ACB thì diễn ra thảo luận khá căng giữa các cổ đông lớn (liên quan nhóm cổ đông vợ Bầu Kiên), còn Eximbank thì ban lãnh đạo vấp phải không ít câu hỏi chất vấn gay gắt của cổ đông.
Khách sạn Sheraton là nơi ưa thích của ACB và Eximbank trong các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên
Trong khi đó, Sacombank sẽ tổ chức họp tại trung tâm hội nghị White Palace. LienVietPostBank dù đã chuyển trụ sở ra Hà Nội nhưng vẫn tổ chức họp ĐHĐCĐ tại Him Lam Palace, Tp.HCM.
Nhiều ngân hàng nhỏ khác thay vì họp ở Hà Nội hay TP.HCM lại quyết định chọn các thành phố khác để tổ chức, chủ yếu là các thành phố du lịch nổi tiếng. Chẳng hạn, BacABank họp ở thị xã Cửa Lò, TP. Vinh; Nam A Bank họp ở khách sạn Đà Lạt Palace Heritage; PVCombank họp ở Wyndham Legend Hạ Long; Kienlongbank họp ở Rạch Giá, Kiên Giang; SeABank họp ở Tp. Đà Nẵng,….
Không phải ngẫu nhiên các ngân hàng này lại thích đến "một nơi xa" chỉ để tổ chức một cuộc họp, vốn chỉ diễn ra trong vòng nửa ngày. Như BacABank và Kienlongbank thì vì đặt trụ sở ở đó, còn SeABank luôn chọn Sheraton Đà Nẵng vì có mối quan hệ mật thiết với Tập đoàn BRG của Madam Nga (chủ đầu tư của Sheraton Đà Nẵng). Điều này cũng tương tự như LienVietPostBank dù trụ sở ở Hà Nội nhưng vào tận Tp.HCM để tổ chức họp ở Him Lam Place, như một "truyền thống" vì Him Lam từng là cổ đông lớn thậm chí là trụ cột một thời ở ngân hàng này…
Cuộc họp cổ đông thường niên của các ngân hàng thông thường chỉ diễn ra trong vòng nửa ngày làm việc. Chương trình nghị sự cũng khá tương đương nhau, thường bắt đầu bằng việc thông qua thể lệ, bầu ban Chủ tịch, ban kiểm phiếu,...sau đó đến báo cáo kết quả kinh doanh và các tờ trình như kế hoạch năm, phân phối lợi nhuận, bầu ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới,...và cuối cùng là phần được các cổ đông chờ đợi nhất là phần thảo luận. Qua từng năm, các ngân hàng cũng cố gắng hơn trong việc kéo dài phần chất vấn của cổ đông và rút gọn các thủ tục và báo cáo.